Các dự án đường sắt Đông Nam Á do Trung Quốc tài trợ bị đình trệ

Tuấn Anh

Khi châu Á tập trung nguồn lực vào việc ngăn chặn sự bùng phát của virus corona và tác động đến kinh tế, các dự án cơ sở hạ tầng lớn do Trung Quốc tài trợ ở khắp Đông Nam Á đã đi vào bế tắc, theo tạp chí Nikkei

Việc xây dựng tuyến đường sắt cao tốc dài khoảng 140 km giữa Jakarta với tỉnh Bandung, thủ phủ của Indonesia gần đây đã bị đình trệ.

Dự án, được Ngân hàng Nhà nước Trung Quốc tài trợ và một doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc khác tham gia xây dựng, hiện đang bị trì hoãn so với kế hoạch hoạt động vào năm 2021.

Có dân số lớn thứ tư thế giới với 270 triệu người, Indonesia là nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á. Trung Quốc coi nước này là một mắt xích quan trọng trong sáng kiến cơ sở hạ tầng Vành đai và Con đường.

Nhưng Indonesia đã hạn chế nghiêm ngặt người nước ngoài vào nước này kể từ tháng 3 trong nỗ lực ngăn chặn virus corona, đồng nghĩa với người lao động Trung Quốc không thể đến công trường xây dựng.

“Chúng tôi sẽ có một cuộc thảo luận sau khi dịch bệnh ổn định”, Luhut Pandjaitan, Bộ trưởng điều phối các vấn đề Hàng hải và Đầu tư của Indonesia, cho biết vào ngày 14 /4.

Trong khi đó, Thái Lan lùi thời hạn đàm phán về một tuyến đường sắt cao tốc dài khoảng 250 km từ Bangkok đến Nakhon Ratchasima đến tháng 10 thay vì tháng 5 năm nay.

Giữa tháng 4, Đường sắt quốc gia Thái Lan cho biết Trung Quốc không phản hồi các yêu cầu của họ. Dự án này có khả năng bị ra khỏi danh sách các dự án ưu tiên của Bắc Kinh, vì khó có thể hoàn thành sớm.

Tại Myanmar, một nhà máy điện do một công ty nhà nước Trung Quốc kết hợp với một công ty của Hong Kong xây dựng đã bị chậm trễ, một phần do các vấn đề về chuỗi cung ứng từ dịch bệnh.

Một nhà máy điện do Trung Quốc xây dựng tại Campuchia có thể sẽ không được đưa vào hoạt động vào tháng 5 như kế hoạch.

Trung Quốc tiếp tục khẳng định cam kết của mình đối với Sáng kiến Vành đai và Con đường nhưng đang phải tập trung các nguồn lực vào việc nâng nền kinh tế của chính nước này lên. Đông Nam Á dự kiến sẽ được đặt vào ưu tiên sau trong một thời gian.

Trong quý 1, các công ty Trung Quốc đã ký hợp đồng xây dựng mới trị giá 26,2 tỷ đô la tại 57 quốc gia tham gia dự án Vành đai và Con đường, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết.

Con số thấp hơn 14% so với một năm trước đó. Nhà thầu chính China Communications Construction đã ghi nhận mức giảm 4% theo giá trị đối với các hợp đồng mới và doanh thu xây dựng trong quý 1.

Ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc là phục hồi nền kinh tế trong nước và thứ hai là sửa đổi chuỗi cung ứng hợp tác với các nước láng giềng, Jin Canrong, giáo sư tại Đại học Renmin của Bắc Kinh, nói với truyền thông địa phương.

“Hiện tại, Trung Quốc sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc giảm đầu tư vào cơ sở hạ tầng và các phần cứng khác ở nước ngoài”, Koji Sako tại Viện nghiên cứu Mizuho cho biết.

“Do thiếu sự tăng trưởng trong thặng dư tài khoản vãng lai của Trung Quốc, việc hạn chế đầu tư cũng khiến tiền mặt không thể ra khỏi đất nước.

Sáng kiến Vành đai và Con đường đã được đưa như một cách để loại bỏ một số thặng dư của Trung Quốc bằng cách đưa tiền ra nước ngoài.” ông nói

Truyền thông đại lục cho rằng sự bùng phát virus corona có tác động hạn chế đối với dự án Vành đai và Con đường, do sáng kiến này vẫn dẫn đến nhiều hợp đồng mới trong giai đoạn từ tháng Một đến tháng Ba.

Nhưng việc xây dựng có thể phải đối mặt với sự chậm trễ hơn nữa nếu các nước chủ nhà tiếp tục hạn chế người nước ngoài nhập cảnh, điều này có thể làm tổn hại đến sự tăng trưởng của Đông Nam Á và sức hấp dẫn của khu vực này đối với các nhà đầu tư nước ngoài.