Các bước khẩn trương để tiến tới bãi bỏ sổ hộ khẩu
Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì hoàn thiện dự thảo nghị định mới liên quan đến việc bãi bỏ sổ hộ khẩu giấy. Ảnh: TP

Chính phủ giao Bộ Công an trình Chính phủ ban hành nghị định mới liên quan đến việc bãi bỏ sổ hộ khẩu trong tháng 12-2022.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 143 phiên họp thường kỳ tháng 10-2022, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới.

Trong đó, Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương xây dựng, hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi các nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy, trình Chính phủ ban hành trong tháng 12-2022.
Nghị quyết của Chính phủ cũng lưu ý việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai giải pháp để hoàn thành các chỉ tiêu của Luật Cư trú năm 2020 về việc bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hết giá trị sử dụng sau ngày 31-12-2022.

Trước đó, đầu tháng 11-2022, Bộ Công an tổ chức họp bàn về dự thảo nghị định nêu trên. Dự kiến nghị định mới sẽ sửa đổi, bổ sung một số điều của 19 nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công.

Bộ Công an cho hay Luật Cư trú năm 2020 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2021. Khoản 3 Điều 38 quy định kể từ ngày luật này có hiệu lực thi hành, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp sẽ có giá trị đến hết ngày 31-12-2022.

Đặc biệt, hiện nay cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đi vào vận hành thống nhất, người dân có thể khai thác thông tin cư trú để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công. Việc yêu cầu người dân xuất trình các giấy tờ như sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hoặc chứng thực các giấy tờ chứng minh thông tin cá nhân đã có trong cơ sở dữ liệu là gây lãng phí, phiền hà.

Vì thế, việc ban hành nghị định mới là rất cần thiết, có cơ sở pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi thực hiện thủ tục hành chính và tham gia các giao dịch dân sự, kinh tế.

Theo Bộ Công an, việc yêu cầu người dân xuất trình các giấy tờ như sổ hộ khẩu… chứng minh thông tin cá nhân đã có trong cơ sở dữ liệu là gây lãng phí, phiền hà.

Bộ Công an đề nghị Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp phối hợp với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) cùng các đơn vị khác có liên quan của Bộ Công an nghiên cứu, tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến và hoàn thiện hồ sơ dự thảo nghị định.

Dự thảo phải bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất với hệ thống pháp luật, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phục vụ người dân và tổ chức, doanh nghiệp…

Mới đây, Cục C06 Bộ Công an cũng đã có văn bản gửi các bộ, ngành, địa phương đề nghị phối hợp thực hiện một số nội dung của Luật Cư trú năm 2020.

C06 đề nghị các cơ quan, đơn vị, tổ chức, sở, ban ngành khi tiếp nhận yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính, giao dịch dân sự của người dân thì căn cứ vào thông tin trên CCCD gắn chip điện tử, thông báo số định danh cá nhân, xác nhận thông tin về cư trú và nghiên cứu, sử dụng các phương thức ứng dụng dữ liệu dân cư… để xác định nơi cư trú của công dân.

Các bộ, ngành cũng cần tập trung rà soát, điều chỉnh sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hoặc có yêu cầu xuất trình giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, thống nhất với quy định của Luật Cư trú năm 2020, không yêu cầu công dân xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.

Theo PL TPHCM