Buôn bán động vật hoang dã tràn lan trên mạng đang gia tăng
ĐVHD được rao bán trên mạng xã hội. Ảnh: ENV

Việc buôn bán và quảng cáo động vật hoang dã trên các trang mạng xã hội đã gia tăng trong những năm gần đây, khiến công tác xử lý vi phạm trở nên khó khăn hơn.

Sáng ngày 10-5 Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề với chủ đề “Công tác xử lý tội phạm về động vật hoang dã tại Việt Nam: Thành tựu và Thách thức”. Buổi tọa đàm nhằm nêu bức tranh toàn diện của Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng. Đồng thời chia sẻ những khó khăn, thách thức cần giải quyết trong công tác đấu tranh, ngăn chặn tội phạm về động vật hoang dã (ĐVHD).

Đang có nhiều hình thức buôn bán động vật hoang dã trái phép

Theo ENV, hiện nay xuất hiện nhiều trại nuôi ĐVHD vì mục đích thương mại đang trở thành vỏ bọc hợp pháp trong hoạt động buôn bán ĐVHD trái phép. Tiếp theo đó, việc “rửa” động vật hoang dã được tiến hành theo hình thức tinh vi, trót lọt thông qua hình thức ĐVHD bị nhập lậu vào trại nuôi, hợp pháp hóa bằng cách khai báo sinh sản, mua khống giấy tờ từ cơ sở có đăng ký khác, sau đó được được bán ra ngoài thị trường.

Ngoài việc vận chuyển trái phép, thực tế hiện nay xuất hiện nhiều trường hợp buôn bán ĐVHD tràn lan trên các trang mạng xã hội, buôn bán ở các chợ. Đây là một trong những vấn đề nhức nhối cần phải có giải pháp ngăn chặn kịp thời.

Việc buôn bán và quảng cáo ĐVHD trên các trang mạng đã gia tăng trong những năm gần đây, khiến công tác xử lý vi phạm trở nên khó khăn hơn. Chỉ riêng năm 2020 ENV đã ghi nhận thêm 1.759 vụ việc mới trên internet.

Theo bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc ENV: Trong ba tháng đầu năm 2022 ENV đã ghi nhận hơn 800 vụ việc vi phạm về ĐVHD, trong đó chủ yếu là các hoạt động quảng cáo buôn bán ĐVHD, một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng này là sự thiếu hiểu biết của người dân. Bên cạnh sự thiếu hiểu biết thì có một số đối tượng coi thường pháp luật.

“Nhiều người buôn bán ĐVHD ở các trang mạng hoặc ở một số chợ dù biết đây là hành vi vi phạm nhưng vì chưa nhìn thấy những người khác bị xử phạt bởi những hành vi này nên vẫn cho rằng mình làm như thế và sẽ không bị xử phạt”- bà Hà nói.

Bắt nhiều vụ vận chuyển trái phép ĐVHD nhưng không có người cầm đầu

Theo số liệu từ Cơ sở dữ liệu vi phạm về ĐVHD của ENV cho thấy, chỉ tính riêng từ năm 2018 đến nay, gần 60 tấn ngà voi và vảy tê tê đã bị phát hiện và thu giữ tại các khu vực cảng biển của Việt Nam.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện nay, lại có bất kì đối tượng nào đứng sau những đường dây thu gom, buôn bán, vận chuyển trái phép số lượng rất lớn ĐVHD nói trên từ nước ngoài về Việt Nam bị đưa ra xét xử.

Bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc ENV chia sẻ: việc phát hiện, thu giữ tang vật chỉ nên là điểm khởi đầu của một chuyên án xử lý tội phạm về ĐVHD. Các cơ quan chức năng cần nỗ lực điều tra, xác minh và sử dụng mọi thông tin có thể khai thác từ các vụ thu giữ tang vật ban đầu này để tìm ra những đối tượng cầm đầu, xử lý nghiêm minh các đối tượng này theo đúng quy định của pháp luật.

“Chỉ khi những đối tượng cầm đầu bị xử lý, chúng ta mới có thể cho các đối tượng này và những đối tượng khác thấy được rủi ro từ hoạt động buôn bán mang lại lợi nhuận bất chính đặc biệt lớn này”- bà Hà nói.

Cần hành động cấp bách, ngăn chặn tình trạng buôn bán ĐVHD trái phép ở Việt Nam

1.Nghiêm trị các đối tượng cầm đầu những đường dây buôn bán ĐVHD trái phép

2.Xóa bỏ nạn tham nhũng

3.Nâng cao hiệu quả răn đe, phòng ngừa tội phạm về ĐVHD

4.Giảm thiểu nguy cơ bùng phát đại dịch trong tương lai do thói quen tiêu thụ và buôn bán ĐVHD

5.Nghiêm cấm mọi hình thức kinh doanh ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm

6.Tăng cường quản lý các cơ sở nuôi ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm không vì mục đích thương mại

7.Chất dứt hoàn toàn tình trạng nuôi nhốt gấu ở Việt Nam.

Theo PLTPHCM
https://plo.vn/buon-ban-dong-vat-hoang-da-tran-lan-tren-mang-dang-gia-tang-post679368.html