Bộ Công Thương nêu giải pháp chấm dứt việc thiếu xăng cục bộ
Bộ Công Thương nêu ra các giải pháp chấm dứt tình trạng xăng dầu thiếu hụt cục bộ như chỉ đạo của Thủ tướng tại công điện trước đó - Ảnh: N.TRẦN

Nguyên nhân thiếu hụt xăng dầu cục bộ và giải pháp để chấm dứt tình trạng thiếu hụt xăng dầu được Bộ Công Thương tiếp tục nêu ra nhưng không có nhiều điểm mới so với trước.

Bộ Công Thương vừa có báo cáo cung cấp một số thông tin về tình hình xăng dầu trong nước tại hội nghị giao ban báo chí ngày 15-11.

Theo bộ này, từ khi diễn ra cuộc xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine, thị trường xăng dầu thế giới có diễn biến phức tạp, nguồn cung khan hiếm, giá liên tục tăng, giảm khó lường.

Đặc biệt, thời gian gần đây có hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu đóng cửa hoặc tạm ngưng kinh doanh, bán hàng cầm chừng, ảnh hưởng đến việc đáp ứng nhu cầu xăng dầu cho thị trường.

Tiếp tục chỉ ra các nguyên nhân, bộ này cho rằng do những biến động bất thường của thị trường thế giới, gây khủng hoảng về nguồn cung xăng dầu trên toàn thế giới. Việt Nam vẫn phải nhập khẩu 20-30% lượng xăng dầu thành phẩm và nhập nguyên liệu dầu thô phục vụ hoạt động sản xuất tại các nhà máy lọc dầu, nên các vấn đề của thị trường thế giới đã ảnh hưởng tới biến động của thị trường xăng dầu trong nước.

Trong khi đó, Bộ Công Thương cho hay nhu cầu xăng dầu trong nước tăng khá cao so với dự kiến do sự phục hồi kinh tế sau dịch COVID-19, cao hơn dự báo khiến nhu cầu tiêu dùng mặt hàng xăng, dầu tăng cao, trong bối cảnh nguồn cung chưa tăng tương ứng.

Thêm nữa, nguồn sản xuất từ hai nhà máy lọc dầu trong nước 10 tháng đầu năm 2022 chưa đảm bảo theo kế hoạch năm đặt ra. Dẫn tới còn thiếu 170.000 m3/tấn xăng, dầu các loại (nguồn trong nước sản xuất là 9,7 triệu m3/tấn, trong khi kế hoạch đăng ký 10 tháng đầu năm là 9,87 triệu m3/tấn).

Bộ này cũng cho rằng do giá xăng dầu thế giới biến động phức tạp và khác thường, trong 10 tháng đầu năm 2022 đã tăng 37 – 85% so với cùng kỳ năm 2021. Thực tế này khiến cho doanh nghiệp xăng dầu bị thua lỗ do đã nhập khẩu khối lượng xăng dầu tương đối lớn với giá cao, nên đã thu hẹp hoạt động kinh doanh, nhập khẩu cầm chừng, cắt giảm các chi phí nên cắt giảm mạnh ở khâu bán hàng, gián đoạn việc bán hàng.

Ngoài ra là các lý do khác như tỉ giá USD/VND tăng cao dẫn đến chi phi kinh doanh xăng dầu tăng theo làm cho hoạt động kinh doanh xăng dầu càng thêm thua lỗ. Tình hình mưa bão ảnh hưởng đến việc vận chuyển xăng dầu từ các nhà máy sản xuất trong nước và nhập khẩu từ nước ngoài về kho của doanh nghiệp, làm chậm nguồn cung.

Về nguyên nhân chủ quan, bộ này cho rằng nhiều chi phí kinh doanh xăng dầu thực tế tăng liên quan, nhưng chưa được rà soát, điều chỉnh tăng và tính đúng, tính đủ. Giá xăng dầu tăng, tỉ giá USD/VND tăng nên nhiều doanh nghiệp còn gặp khó khăn, khó tiếp cận nguồn ngoại tệ, nguồn tín dụng, nên chỉ duy trì nhập hàng đủ để cung cấp cho hệ thống phân phối trực thuộc doanh nghiệp và duy trì lượng hàng dự trữ tồn kho theo quy định.

Một số doanh nghiệp đầu mối khu vực phía Nam bị tước giấy phép do vi phạm hành chính nên ảnh hưởng tới nguồn cung, một số doanh nghiệp đầu mối bị Tổng cục Hải quan ngừng thông quan mặt hàng xăng dầu do không đáp ứng điều kiện về việc kết nối dữ liệu điện tử.

Dự báo thời gian tới tình hình thế giới còn phức tạp, khó lường, nguồn cung xăng dầu sẽ còn tiếp tục khó khăn, do đó Bộ Công Thương cho biết sẽ tập trung vào các giải pháp đã được Thủ tướng chỉ đạo tại công điện mới đây.

Theo đó, bộ sẽ tập trung chỉ đạo các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường trong nước, bảo đảm không để thiếu hụt xăng dầu, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế và tiêu dùng của xã hội, tăng cường kiểm tra, giám sát việc bảo đảm tổng nguồn xăng dầu tối thiểu.

Rà soát sửa đổi nghị định 95 và nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu theo trình tự, thủ tục rút gọn, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Định kỳ trước ngày 20 hằng tháng rà soát, tổng hợp, thống kê các chi phí, xem xét điều chỉnh, bảo đảm sát với thực tiễn và thực hiện ngay để phục vụ kỳ điều hành giá ngày 21-11.

Đồng thời chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam chỉ đạo Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn có phương án phân phối xăng dầu hợp lý, ưu tiên nhu cầu mua hàng của doanh nghiệp đã và đang nhập khẩu xăng dầu để hỗ trợ bù đắp chi phí.

Theo Tuổi Trẻ