Bảo tồn và phục hồi hệ thống rừng tự nhiên Việt Nam

An Dương

Ngày 23/12, tại Hà Nội, Hội chủ rừng Việt Nam VIFORA, Trung tâm Con người và thiên nhiên – Pan Nature và Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên và phát triển tổ chức chương trình hội thảo “bảo tồn và phục hồi hệ thống rừng tự nhiên Việt Nam: Tầm nhìn và các giải pháp chính sách”

Nhiều vấn đề được đặt ra tại hội thảo Bảo tồn và phục hồi hệ thống rừng tự nhiên Việt nam là độ che phủ của rừng tự nhiên bao nhiêu là phù hợp, tính đúng giá trị của rừng, tác dụng của rừng trong việc giảm thiên tai lũ lụt, sạt lở đất được định giá bao nhiêu…

Hội thảo với sự tham dự của 140 đại biểu là các chuyên gia về lâm nghiệp, đại diện của các các ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ, vườn quốc gia, các công ty lâm nghiệp và tổ chức liên chính phủ và phi chính phủ.

Hội thảo được chia thành 4 phiên với các chủ đề gồm: Chính sách quản lý và đầu tư phát triển rừng tự nhiên trong hệ thống khu bảo vệ; Đa dạng hóa hình thức quản lý cho khu rừng đặc dụng, phòng hộ mới; Đa dạng hóa nguồn lực cho bảo vệ và phục hồi rừng tự nhiên; Phục hồi rừng tự nhiên: Khoa học, chính sách và thách thức từ thực tế triển khai.

Theo tiêu chí về diện tích và độ che phủ, dường như Việt Nam gần hồi phục được rừng về thời điểm 1943 – khi chúng ta có số liệu đầu tiên về rừng. Nhưng khác biệt ở đây là chất lượng rừng, thời điểm đầu thế kỷ 20, rừng Việt Nam là rừng tự nhiên, trong đó diện tích rừng nguyên sinh còn rất lớn.

“Diện tích rừng theo báo cáo hiện nay còn lại rất ít rừng nguyên sinh, chất lượng giảm nhiều, đa dạng sinh học cạn kiệt, chức năng sinh thái không còn được bảo toàn nguyên vẹn. Diện tích rừng tự nhiên còn lại đang tiếp tục bị tác động mạnh mẽ do sức ép từ các hoạt động phát triển kinh tế xã hội”, ông Trịnh Lê Nguyên thuộc tổ chức Pan Nature cho biết.

Phát biểu của ông Hứa Đức Nhị ở Hội Chủ rừng Việt Nam: “ Rừng có vai trò phòng hộ lớn,  đó là các giá trị điều tiết nước, hấp thụ các bon, hay giá trị cảnh quan. Tuy vậy, không phải cứ rừng tự nhiên là có ngay các giá trị đó như nhau”.

Rừng gắn với đời sống của bà con các dân tộc thiểu số ở miền núi, với các chủ rừng. Giải pháp cho bảo tồn và phát triển với rừng tự nhiên vì vậy phải đồng bộ và gắn với sinh kế đồng bào miền núi và các chủ rừng”.

Tại hội thảo các đại biểu đã chỉ ra thực trạng thiếu kinh phí quản lý bảo vệ, việc quản lý rừng chưa rõ ràng giữa các ban quản lý rừng đặc dụng và lực lượng kiểm lâm. Chưa tính hết các giá trị của rừng mang lại như giảm thiên tai, giá trị cảnh quan, giữ nước…

Vì thế, Nhà nước cần có cơ chế chính sách riêng đối với rừng đặc dụng như tạo nguồn thu cho các Ban Quản lý rừng phòng hộ, đầu tư cho khoán bảo vệ rừng, cho người lao động tại các Ban Quản lý rừng phòng hộ.

Bên cạnh đó, các đại biểu đã thảo luận, đề xuất các giải pháp hiệu quả nhằm phục hồi rừng tự nhiên, khuyến nghị về chính sách nhằm đa dạng hóa, đảm bảo nguồn đầu tư bền vững cho hệ thống rừng đặc dụng và rừng phòng hộ tại Việt Nam.