Bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa gắn liền với phát triển du lịch ở Việt Nam

Ths. Cù Thị Nhung

Khoa Kinh tế – QTKD, Trường ĐH Hà Tĩnh

Ảnh minh họa (Internet)

Không ít những quan niệm sai về việc bảo tồn di sản và đặc biệt là những nhìn nhận sai lệch về nhu cầu của du lịch đối với di sản văn hóa.

Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa và phát triển du lịch có mối quan hệ chặt chẽ và tương hỗ, thúc đẩy nhau cùng phát triển. Có thể nói nếu du lịch phát triển sẽ tạo điều kiện cho du khách tiếp cận với các giá trị văn hoá ở mỗi địa phương.

Nhưng nếu du lịch chỉ khai thác mà không chú trọng đến việc bảo tồn, gìn giữ các di sản văn hoá thì các giá trị văn hoá dễ dàng xuống cấp hoặc biến dạng. Do đó, việc quan tâm đầu tư về nhân lực, tài lực, vật lực góp phần bảo tồn, tôn tạo, phát huy tốt các di sản văn hoá phục vụ cho hoạt động du lịch nói riêng, cho sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương nói chung là một vấn đê vô cùng cấp thiết hiện nay.

Mối quan hệ tương hỗ giữa di sản văn hóa và phát triển du lịch

Việt Nam có nguồn tài nguyên di sản văn hóa vật thể, phi vật thể khá đa dạng, phong phú. Di sản văn hóa luôn đóng vai trò quan trọng trong lịch sử hình thành, phát triển của quốc gia, dân tộc, vùng miền.

Đó không chỉ là tài sản của riêng một vùng đất hay con người địa phương, mà còn là tài sản vô cùng quý giá của quốc gia, phản ánh một cách tập trung nhất, tiêu biểu nhất truyền thống văn hóa Việt Nam, có vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân ta.

Trong các loại hình di sản văn hóa ở Việt Nam, có những giá trị di sản mang tầm vóc thế giới, được cả nhân loại tôn vinh. Tính đến nay, Việt Nam có 17 di sản được UNESCO công nhận là di sản thế giới trong đó có 11 di sản văn hóa (văn hóa vật thể và phi vật thể), 3 di sản thiên nhiên và 3 di sản tư liệu. Đây là những tài sản vô giá chung của toàn nhân loại và là “kho báu” vô giá đối với ngành du lịch.

Di sản văn hoá và hoạt động phát triển du lịch có mối quan hệ hữu cơ với nhau. Du lịch là một ngành kinh tế có định hướng tài nguyên một cách rõ rệt. Nói một cách khác, du lịch chỉ có thể phát triển trên cơ sở khai thác các giá trị tài nguyên du lịch.

Đứng từ góc độ này, các giá trị văn hóa được xem là dạng tài nguyên du lịch để khai thác tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn, khác biệt và có khả năng cạnh tranh không chỉ giữa các vùng miền, các địa phương trong nước mà còn giữa Việt Nam với các nước trong khu vực và quốc tế. Trên cơ sở những giá trị di sản văn hoá, du lịch khai thác để hình thành nên những sản phẩm bán cho khách.

Ngược lại, du lịch cũng có một vai trò quan trong đối với công tác bảo tồn, phát huy giá trị của di sản văn hóa. Du lịch là một phương thức để phát huy các giá trị văn hóa có hiệu quả nhất, đặc biệt đối với bạn bè quốc tế.

Không phải ngẫu nhiên du lịch được xem là “cầu nối” giữa các dân tộc, giữa các nền văn hóa trên thế giới. Qua hoạt động hướng dẫn du lịch, du khách không chỉ được tận mắt chiêm ngưỡng mà còn được hiểu biết thêm về giá trị các di sản văn hóa nơi mình đến.

Thông qua hoạt động du lịch, du khách có được những trải nghiệm đặc biệt, sống động, cảm nhận được các giá trị văn hóa trong những khung cảnh thực của tự nhiên, của nếp sống truyền thống cộng đồng mà không phương tiện nào có thể chuyển tải được.

Có thể nói, du lịch đóng vai trò quan trọng trong việc quảng bá hình ảnh và những giá trị của di sản văn hoá tới nhân loại. Bên cạnh đó, du lịch còn tham gia vào hoạt động bảo tồn của chính những giá trị văn hoá. Bởi công tác bảo tồn các giá trị văn hoá đòi hỏi có kinh phí cho hoạt động chuyên môn nghiệp vụ như: thu thập, nghiên cứu di sản; bảo vệ, tu sửa, tôn tạo….

Trong thực tế, nguồn kinh phí dành cho hoạt động bảo tồn di sản văn hóa từ ngân sách nhà nước và hợp tác quốc tế thường rất hạn hẹp. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của công tác bảo tồn văn hoá.

Sau khi khai thác và trong quá trình vận hành, nguồn kinh phí thu được từ du lịch quay trở lại đầu tư một phần cho di sản như việc tôn tạo, tu bổ, gìn giữ và phát huy thêm những giá trị của di sản văn hoá.

Chùa Trăm Gian (Ảnh: Internet)

Quan niệm sai về bảo tồn di sản

Thứ nhất, quan niệm chưa đúng về bảo tồn, nhìn nhận sai lệch về nhu cầu của du lịch đối với di sản văn hóa: Từ khi nhà nước chủ trương tăng cường công tác bảo tồn các di sản văn hóa và đặc biệt là khi người dân nhận thấy lợi ích mà phát triển du lịch mang lại, ở rất nhiều địa phương đã diễn ra tình trạng bùng nổ về phục hồi di sản.

Người ta nhận ra ở đâu có di sản văn hóa, ở đó có khách du lịch đến. Khi có hoạt động du lịch thì sẽ kéo theo các hoạt động dịch vụ khác, sẽ mang lại nhiều lợi ích, trước hết là lợi ích kinh tế.

Chính vì vậy, nhiều nơi đã rất chú trọng bảo tồn, tôn tạo và khôi phục các di sản văn hóa, tạo nên một làn sóng đầu tư tôn tạo di tích. Cũng từ đây, không ít những quan niệm sai về việc bảo tồn di sản và đặc biệt là những nhìn nhận sai lệch về nhu cầu của du lịch đối với di sản văn hóa.

Nhiều địa phương chưa được phép của các cấp quản lý đã tự đầu tư, bằng nguồn kinh phí từ tiền quyên góp của các tầng lớp nhân dân để tôn tạo, khôi phục các đình chùa, miếu, lễ hội, thậm chí xây mới các công trình văn hóa, tôn giáo – tín ngưỡng….

Cũng vì thiếu hiểu biết, lại tiến hành bảo tồn theo dạng phong trào nên hầu như những di tích, di sản văn hóa được bảo tồn, tôn tạo dễ bị làm không kỹ, chất lượng kém.

Rất nhiều các công trình, di tích được bảo tồn, tôn tạo một cách cẩu thả, sử dụng vật liệu mới như việc dùng cả gạch men kính để lát ban thờ, hoặc dùng xi măng trám vào các cột kèo bị mối, mọt, các tượng được đắp bằng xi măng, tô màu lòe loẹt, các chi tiết nề, mộc, tạc, tô tượng, các họa tiết chạm khắc hoa văn thiếu sự trau chuốt…điển hình như việc trùng tu lại Chùa Trăm Gian gần đây đã để lại nhiều hậu quả đáng tiếc, làm mất đi sự tôn nghiêm vốn có của nó.

Thứ hai, thương mại hóa, khai thác không đúng những hàm lượng văn hóa chứa đựng trong di sản, xâm hại và làm biến tướng những giá trị của di sản: Ðể trở thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách, không hiếm trường hợp, di sản văn hóa đã bị làm thay đổi đến mức biến dạng cả về nội dung và hình thức.

Cụ thể như nghệ thuật đờn ca tài tử của Nam Bộ là một ví dụ. Trong khi người nghệ sĩ phải trải lòng mình ra với những câu vọng cổ da diết thì những thực khách đang ăn uống xô bồ, nói cười ồn ã. Nghệ thuật được mang ra phục vụ trong khung cảnh như vậy thì còn đâu vẻ hào hoa, phong nhã của âm nhạc tài tử?

Nghệ thuật ca Huế cũng là một trường hợp tương tự. Loại hình nghệ thuật này được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại và đã gắn liền với văn hóa đất cố đô hàng trăm năm, khi biến thành sản phẩm du lịch trong những tour du lịch trên sông Hương hay hát phục vụ trong các hội nghị… đã không còn giữ được những đặc trưng riêng đúng như tên gọi ca Huế nữa.

Hay như chợ tình Sa Pa, không gian văn hóa vốn là nơi gặp gỡ, trao duyên, giao lưu tình cảm của các chàng trai, cô gái người Dao, người Mông khi trở thành sản phẩm du lịch cũng đã bị “sân khấu hóa”, mất đi vẻ đẹp giản dị và ý nghĩa tự nhiên vốn có.

Hoạt động thương mại hóa các giá trị văn hóa còn thể hiện ở những di sản khác như trang phục dân tộc, ngành nghể thủ công, lễ hội truyền thống… Cư dân địa phương phụ thuộc hoàn toàn vào du lịch để kiếm sống và giao dịch thương mại.

Do vậy, để thích nghi với thị trường khách du lịch, họ sẵn sàng thay đổi các nét văn nét truyền thống của dân tộc mình, một số đường nét hoa văn trong trang phục dân tộc đang có nguy cơ bị mai một, những ngành nghề thủ công truyền thống có thể bị thay đổi, mất đi, những lễ hội truyền thống phần nào bị che lấp mất giá trị quý giá vốn có của nó, hay một số yếu tố nghệ thuật cũng bị đơn giản hóa, biến dạng.

Thứ ba, Việc phát triển du lịch nếu chạy theo nhu cầu của du khách đơn thuần cũng có thể phá hoại các giá trị của di sản. Ví dụ như trùng tu, tôn tạo di tích theo hướng to hơn, hoành tráng, hiện đại, bắt mắt hơn với du khách có thể làm sai lệch nguyên dạng di tích, làm mất đi những giá trị vốn có của di tích.

Hay để thu hút du khách tham gia lễ hội, người ta tổ chức nhiều trò chơi mang tính giải trí của thời hiện đại, lược bớt phần nghi lễ, các hình thức diễn xướng và trò chơi dân gian… sẽ làm mất đi những giá trị của di sản. Điều này cũng sẽ tác động tiêu cực trở lại đối với du lịch.

Thứ tư, chưa chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành du lịch. Phát triển du lịch di sản văn hóa, số lượng du khách đông nhưng không chú ý đào tạo, xây dựng một đội ngũ hướng dẫn viên am hiểu sâu sắc các giá trị của di sản, có khả năng trình bày thuyết phục thì du khách nhiều khi đến di sản nhưng không hiểu giá trị của di sản.

Khi đó, ý nghĩa phát huy di sản thông qua hoạt động du lịch sẽ không thành hiện thực. Đó là chưa kể, nếu chúng ta không có đội ngũ hướng dẫn viên bản địa, hay quản lý được hướng dẫn viên của các công ty du lịch từ nơi khác đến thì lời thuyết minh của họ có thể làm sai lệch ý nghĩa, giá trị của di sản.

Ảnh minh họa (Internet)

Đẩy mạnh bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa gắn liền với phát triển du lịch ở Việt Nam

Giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy di sản văn hóa với phát triển du lịch là làm sao để hoạt động du lịch vừa phát triển nhằm đạt được mục tiêu kinh tế vừa góp phần vào việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa. Muốn vậy, du lịch phải khai thác hợp lý di sản văn hóa thông qua các giải pháp sau đây:

Thứ nhất, tăng cường quảng bá điểm đến di sản văn hóa

Du lịch càng thu hút được nhiều du khách đến với di sản thì các giá trị của di sản văn hóa càng được quảng bá một cách rộng rãi. Vì vậy, để du lịch phát huy tốt các giá trị của di sản thì phải tăng cường quảng bá di sản.

Trong những năm qua, nhiều sáng kiến quảng bá di sản góp phần quảng cáo du lịch, thu hút du khách đến với di sản như năm du lịch Hạ Long, Festival Huế, Quảng Nam hành trình di sản, Con đường di sản miền Trung,…

Trong thời gian tới, chúng ta cần đa dạng hóa hơn nữa các hình thức quảng bá như xây dựng chuyên trang về di sản văn hóa nổi tiếng, giới thiệu những giá trị di sản, các tour, tuyến du lịch khai thác di sản.

Thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, đặc biệt là trong bối cảnh công nghệ thông tin hiện nay cần khai thác các trang mạng xã hội zalo, facebook, youtube, twitter,… vào việc quảng bá điểm đến di sản.

Đồng thời, có thể viết các bài giới thiệu về giá trị, sức hấp dẫn của di sản thành các tờ rơi để ở nhà ga, bến tàu, bến xe khách, đăng ở các tờ tạp chí của các hãng hàng không để tiếp cận dễ hơn tới du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài. Bởi đa số khách hàng không là du khách tham quan du lịch, có nhu cầu và khả năng đi du lịch.

Thứ hai, đa dạng hóa sản phẩm du lịch để khai thác đầy đủ giá trị di sản

Thực tế, nhiều di sản văn hóa đã được khai thác phát triển du lịch nhưng chưa đầy đủ, cả về số lượng và chất lượng các giá trị của di sản. Vì vậy, khai thác đầy đủ sẽ giúp các giá trị của di sản được phát huy tốt nhất. Ví dụ như di tích Cố đô Huế vẫn còn có nhiều điểm do khách quan và chủ quan chưa được đưa vào khai thác, cho du khách đến tham quan.

Di sản văn hóa là của cộng đồng địa phương, của dân tộc nên có sự kết nối với các di sản văn hóa khác trên địa bàn. Vì vậy, các tour du lịch cũng cần thiết kế nhiều chương trình trải nghiệm, tìm hiểu các giá trị của nhiều di sản văn hóa khác nhau trên một địa bàn. Ví dụ như tour du lịch tham quan cố đô Huế có thể thiết kế các chương trình tham gia lớp học một điệu nhạc cung đình miễn phí, chương trình nấu ăn cho du khách để tiếp cận văn hóa ẩm thực độc đáo của xứ Huế, cung đình Huế thời xưa…

Điều này không chỉ tăng thời gian lưu trú của khách, đáp ứng mục tiêu tăng lợi nhuận của ngành du lịch mà còn giúp du khách tìm hiểu sâu hơn, đa dạng hơn các giá trị của di sản văn hóa.

Thứ ba, giáo dục ý thức bảo vệ di sản cho du khách và cộng đồng địa phương

Để hoạt động du lịch không làm ảnh hưởng đến công tác bảo tồn di sản thì phải nâng cao ý thức bảo vệ di sản cho cả du khách và cộng đồng địa phương với một số giải pháp sau:

– Tập huấn chuyên môn, thái độ ứng xử với di sản, với du khách tham quan cho cán bộ và nhân dân địa phương có di sản. Các đối tượng tham gia khai thác du lịch tại di sản không chỉ cán bộ du lịch mà cả người bán hàng, dân địa phương, lái xích lô, xe ôm tạo ra hoạt động du lịch bền vững tại khu di sản văn hóa.

– Nâng cao ý thức bảo vệ di sản của du khách bằng việc tăng cường các bảng hướng dẫn, ngăn cấm các hành vi xâm hại di tích cho du khách, công tác tuyên truyền ý thức bảo vệ di sản thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng,…

Thứ tư, huy động nguồn vốn trong nước và ngoài nước cho hoạt động trùng tu, tôn tạo, bảo vệ di tích

Khai thác di sản trong du lịch phải gắn liền với công tác tu bổ, trùng tu tôn tạo di tích nếu không di tích sẽ bị hủy hoại, tàn phá bởi chính hoạt động du lịch của con người. Chẳng hạn như trùng tu các di tích xuống cấp, mở rộng sức chứa của di tích bằng việc xây dựng thêm một số hạng mục kết cấu hạ tầng.

Muốn vậy, cần phải có nguồn kinh phí lớn mà kinh phí từ hoạt động thu vé tham quan là không đủ. Ví dụ Thánh địa Mỹ Sơn có nhiều tháp đã xuống cấp cần được trùng tu bằng nguồn kinh phí rất lớn mà tiền thu vé hàng năm là quá ít so với nhu cầu. Vì vậy, cần huy động nguồn vốn trong và ngoài nước cho hoạt động trùng tu, tôn tạo.

Ngoài nguồn thu vé tham quan, cần yêu cầu các doanh nghiệp lữ hành có đưa khách đến tham quan di sản trích một phần lợi nhuận của mình đóng góp vào quỹ bảo tồn di sản. Kêu gọi sự tài trợ của các tổ chức nước ngoài cũng như sự đóng góp của cộng đồng địa phương, nhất là người dân địa phương tham gia hoạt động du lịch tại di sản.

Thứ năm, quan tâm bảo tồn các giá trị của di sản để tăng tính hấp dẫn của điểm đến

Để di sản thu hút được du khách thì phải bảo tồn được nguyên vẹn những giá trị độc đáo, đặc sắc của di sản. Việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản trước hết phải vì cộng đồng, dân tộc, vì chính nhu cầu của địa phương hơn là vì nhu cầu của du khách.

Cần tránh quan niệm của một số địa phương khôi phục lễ hội, đầu tư cho di tích chỉ vì mục đích thu hút du khách, phát triển du lịch. Vì vậy, trùng tu, tôn tạo cần đảm bảo tính chân thực của di tích, vật liệu trùng tu cần đảm bảo số lượng, chất lượng, quy cách, kích thước sao cho không ảnh hưởng đến tính nguyên vẹn của di tích.

Việc khôi phục, bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể dù có những biến đổi cho phù hợp vẫn phải giữ nguyên những giá trị bất biến độc đáo, đặc sắc riêng có của các di sản. Đây là công việc khó khăn, đòi hỏi phát huy vai trò của các nghệ nhân đang nắm giữ linh hồn của di sản, những thợ mộc, thợ nề truyền thống, hội đồng thẩm định chuyên môn quốc gia về di sản văn hóa, những nhà nghiên cứu sâu về văn hóa, đồng thời kêu gọi nhà đầu tư, các tổ chức quốc tế hỗ trợ về mặt chuyên gia, kỹ thuật.

Thứ sáu, xây dựng đội ngũ hướng dẫn viên đủ về số lượng và chất lượng cho các điểm đến di sản

Chất lượng của đội ngũ hướng dẫn viên có ý nghĩa rất lớn trong việc truyền bá đầy đủ, đúng đắn, sâu sắc những giá trị của di sản đến du khách.

Tuy nhiên, có một thực tế là nhiều công ty du lịch, nhất là những công ty nhỏ, khai thác điểm đến di sản sử dụng hướng dẫn viên của họ, trình độ năng lực hiểu biết về điểm đến di sản còn hạn chế (hướng dẫn viên của công ty mà đến di sản nào cũng thuyết minh, giới thiệu thì chắc chắn sự hiểu biết sẽ không sâu), không thể am hiểu chuyên sâu về giá trị của di sản như những hướng dẫn viên của mỗi di sản văn hóa.

Ví dụ như cố đô Huế có 800 hướng dẫn viên được cấp thẻ, trong đó 250 thẻ hướng dẫn viên nội địa và 550 thẻ hướng dẫn viên quốc tế.

Tình trạng hướng dẫn viên nơi khác dẫn đoàn đến Huế khá phổ biến. Việc không sử dụng hướng dẫn viên của địa phương có di sản, của chính di sản văn hóa ảnh hưởng đến mức độ hiểu biết giá trị di sản của du khách.

Vì vậy, để du lịch thực sự góp phần quảng bá giá trị của di sản văn hóa, cần có cơ chế bắt buộc các công ty du lịch phải sử dụng hướng dẫn viên tại địa phương, hoặc có cơ chế kiểm tra năng lực, trình độ của hướng dẫn viên các công ty du lịch về mức độ hiểu biết các giá trị của di sản thì mới cấp thẻ hướng dẫn tại di sản đó.

Thứ bảy, tăng cường các biện pháp bảo vệ môi trường trong khu di tích, di sản

Trong kinh phí cho trùng tu, tôn tạo di tích cần dành một nguồn kinh phí cho công tác bảo vệ môi trường tại khu di tích, di sản như tăng cường số lượng các thùng rác cho du khách, áp dụng các hệ thống xử lý nước thải, rác thải trong khu di tích.

Những điểm nóng về ô nhiễm môi trường ở khu di tích cần sớm được khắc phục, xử lý, thuê nhân lực thu gom rác thải trong khu ti tích… Áp dụng các tiêu chuẩn quản lý môi trường và cấp chứng chỉ du lịch bền vững, thường xuyên đánh giá và giám sát sự tác động của du lịch tới khu di tích, di sản là những giải pháp quan trọng để hoạt động du lịch không ảnh hưởng đến công tác bảo vệ di sản.

Giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy di sản với phát triển du lịch là một yêu cầu cấp thiết hiện nay để đảm bảo phát triển bền vững ở nước ta.

Để có thể giải quyết tốt mối quan hệ này thì đòi hỏi sự chủ động, quyết tâm của cấp chính quyền, du khách, người dân địa phương và các ngành, các cấp với một hệ thống giải pháp đồng bộ.

Tuy nhiên, chỉ có như vậy chúng ta mới vừa phát triển kinh tế, vừa giữ gìn được bản sắc dân tộc bởi di sản văn hóa chính là linh hồn, là yếu tố quan trọng nhất của bản sắc dân tộc.