Báo động thiếu sân chơi lành mạnh cho giới trẻ

Minh Sơn – Đinh Dương

Việc tung hô Khá ``Bảnh`` và Dương Minh Tuyền, giới trẻ đang bộc lộ nhiều lệch chuẩn trong văn hóa thần tượng

Trong suốt thời gian gần đây, hiện tượng những “giang hồ” mạng như Khá “Bảnh”, Dương Minh Tuyền… bỗng nổi như cồn nhờ sự tung hô trên mạng xã hội, đã dấy lên những mối lo ngại về sự lệch lạc trong xu hướng “thần tượng” của giới trẻ. 

Tương tự, hàng loạt kênh YouTube bạo lực, dung tục, phản cảm của những cái tên mà mọi người hay gọi là “giang hồ mạng” xuất hiện ồ ạt.

Bên cạnh Khá Bảnh, một loạt “giang hồ” với đời tư bất hảo như: Dương Minh Tuyền, Phú Lê, Dũng Trọc… thi nhau lập nên một cộng đồng mạng xã hội để gây chú ý.

Lối sống bất cần, cách hành xử coi thường pháp luật, thích gì làm nấy của những nhân vật này vẫn đang tiếp tục là những “con sâu” reo rắc những “mầm bệnh” về tư tưởng, hành vi xấu rất đáng lo ngại cho giới trẻ.

Hiện nay, việc Khá Bảnh đã bị khởi tố. Các clip của Khá Bảnh trên mạng Internet cũng đã bị gỡ bỏ. Mới đây, kênh YouTube của Dương Minh Tuyền cũng bị khóa.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều đối tượng giang hồ khác đang dùng mạng xã hội để tiếp cận công chúng. Câu hỏi được đặt ra là tại sao những “giang hồ mạng” với các hành vi sai lệch lại được nhiều người trẻ yêu thích?

Theo ông Nguyễn Ngọc Long – Chuyên gia truyền thông cho biết, mạng xã hội vốn như con dao hai lưỡi, mang đến nhiều lợi ích thông tin nhưng cũng tiềm ẩn những rủi ro, có tính lây truyền, kích thích đám đông.

Trong xã hội, với những chuẩn mực đạo đức được đề cao thì đôi khi chính những “mảng tối” của cuộc sống lại kích thích sự tò mò, hấp dẫn con người.

Có thể khẳng định, việc độc, lạ và nhiều chiêu trò là 3 yếu tố khiến Khá Bảnh và nhiều “giang hồ mạng” khác luôn thu hút 1 lượng lớn người theo dõi, phần lớn trong số này là vì tò mò và hiếu kỳ bởi đời sống giang hồ từ xưa tới nay là góc khuất ít người đề cập.

Thế nhưng, từ hiếu kỳ lại trở thành yêu thích, thậm chí bắt chước, theo chuyên gia tâm lý Phạm Thị Thúy, đó là sự thiếu thốn sân chơi đáng báo động ở giới trẻ.

Tương tự, TS. Vũ Thu Hương – Chuyên gia tâm lý giáo dục, các “giang hồ” mạng truyền cảm hứng cho giới trẻ chẳng khác nào sự nguy hại của trò chơi “Cá voi xanh”, “Thử thách momo” mà phụ huynh lo lắng bấy lâu.

“Hiện tượng này đặc biệt nguy hiểm, bởi việc học sinh thần tượng những “giang hồ” mạng có thể là một trong những nguyên nhân khiến bạo lực học đường gia tăng. Những hành vi vi phạm pháp luật được cổ vũ như hành động anh hùng sẽ góp phần làm tăng các vụ án nghiêm trọng về cả mức độ lẫn số lượng”.

Được biết, hiện người Việt Nam chiếm gần 96% người xem video trên YouTube. Với lượng người dùng lớn như vậy, cũng dễ hiểu vì sao các kênh truyền thông của giới giang hồ lại xuất hiện ngày càng nhiều.

Trong môi trường thông tin đa dạng như YouTube hay Facebook, người dùng cần có biện pháp phòng vệ bằng cách lựa chọn thông tin tiếp nhận, điều mà lâu nay công tác giáo dục đã bỏ qua.