Bàn về phương pháp đào tạo ngành thương mại điện tử trong bối cảnh chuyển đổi số

TS. Nguyễn Đức Tài
Trưởng Khoa Thương mại điện tử&Kinh tế Số, Trường Đại học Đại Nam

  1. Dẫn nhập

          Trong thời đại kỷ nguyên số hiện nay Kinh tế Số không còn là xu thế mà là sự lựa chọn tất yếu trong đó thương mại điện tử (TMĐT) là trụ cột quan trọng để hướng tới xây dựng xã hội số, chính phủ số, phát triển kinh tế số lên tầm cao mới. Thương mại điện tử bối cảnh chuyển đổi số hiện nay làm thay đổi căn bản phương thức mua bán truyền thống của người dân, nâng cao chất lượng cuộc sống và đem đến những tiện ích hiện đại nhờ chuyển đổi số và công nghệ.

Thương mại điện tử được biết đến ở Việt Nam khoảng 20 năm, trong khoảng 15 năm về trước vẫn chủ yếu là hình thức mua bán, giao dịch thông qua nền tảng internet và công nghệ phần mềm tại các sàn thương mại điện tử. Vì thế việc đào tạo các chuyên gia chuyên ngành TMĐT cũng theo phương pháp truyền thống, đó là làm thương mại trong môi trường điện tử hay các hoạt động kinh doanh mua bán nhờ sự trợ giúp của công nghệ và các nền tảng ứng dụng trong môi trường internet. Bởi vậy, đào tạo nhân lực trong giai đoạn này chỉ là hỗ trợ thêm kỹ năng để hiệu quả hơn cho các hoạt động kinh doanh truyền thống.

5 năm trở lại đây, xu thế kinh tế số đã khiến các hoạt động TMĐT trở nên “náo nhiệt” hơn, nó không thuần túy là các sản phẩm cụ thể nữa mà là dịch vụ, thông tin, tư vấn, sản phẩm số, tài sản ảo…hay các sàn giao dịch hàng hóa phái sinh. Điều này đồng nghĩa trong nền kinh tế số và xu thế chuyển đổi số việc đào tạo cần phải cập nhật hơn, phương pháp đào tạo, kế hoạch giảng dạy cũng cần thay đổi và rút ngắn để lực lượng lao động chuyên ngành này có thể nhanh chóng bắt nhịp với sự phát triển của nền kinh tế số.

Trong bài tham luận này, tác giả chưa bàn sâu về đổi mới, cập nhật các học phần cơ sở ngành, chuyên ngành trong chương trình đào tạo mà chỉ tiếp cận dưới một góc độ về phương pháp đào tạo chuyên gia TMĐT trong bối cảnh kinh tế số hiện nay. Đây cũng là thực tế trong 2 năm tác giả trực tiếp xây dựng, đánh giá, rà soát chương trình đào tạo ngành TMĐT tại Đại Học Đại Nam (ĐNU).

Qua 1 năm học online do dịch COVID 19, Khoa Thương mại điện tử và Kinh tế Số- ĐNU cũng tạo cảm hứng về nhận thức nghề nghiệp cho sinh viên, mang lại hiệu quả thực chất và ý nghĩa. Với những chia sẻ về cách làm theo cách tiếp cận này, tác giả hi vọng cũng đóng góp cho các cơ sở đào tạo đại học ngành TMĐT một góc nhìn mới mẻ về phương pháp đào tạo mới, đồng thời cũng hy vọng nhận được những ý kiến phản biện, góp ý để tác giả hoàn thiện hơn đề tài khoa học của mình để đạt hiệu quả không chỉ đối với sinh viên mà cả giảng viên dạy chuyên ngành về TMĐT.

  1. Thực trạng về đào tạo Thương mại điện tử

          Nói về đào tạo TMĐT phải kể đến Trường Đại học Thương mại, đây là đơn vị đầu tiên đào tạo về với chuyên ngành Quản trị thương mại điện tử trong 16 năm qua và ngành TMĐT 8 năm trở lại đây.

Khoa Thương mại điện tử và Kinh tế Số, Trường Đại học Đại Nam có thể nói là một trong số các trường ngoài công lập đầu tiên tại Hà Nội đào tạo ngành thương mại điện tử 4.0 và chuyên ngành Kinh tế số. Ngay từ đầu Khoa đã tiếp cận và kế thừa chương trình đào tạo của ĐHTM và tạo ra những bản sắc riêng theo xu thế Kinh tế số.

Thực tế hiện nay, nhiều cơ sở đào tạo vẫn lựa chọn cách đào tạo TMĐT theo tư duy kế thừa ngành quản trị kinh doanh và bổ sung thêm các học phần chuyên ngành thương mại điện tử theo hướng quản trị. Hay nói một cách khác, cách xây dựng chương trình đào tạo ngành TMĐT vẫn chủ yếu là quản trị kinh doanh trong đó cập nhật các môn chuyên ngành TMĐT.

Một thực tế là khi tiếp cận xây dựng nội dung chương trình đào tạo ngành thương mại điện tử có 2 cách cơ bản như sau:

Một là, tiếp cận theo chuyên ngành quản trị thương mại điện tử. Đa số các cơ sở đào tạo khi mở ngành TMĐT đều tham khảo CTĐT của Trường ĐH Thương mại và hình thành CTĐT của trường mình. Nghĩa là từ giáo trình, tài liệu giảng dạy đều mượn từ trường khác, thậm chí đến cả giảng viên cũng mời thỉnh giảng mà chưa thể xây dựng được đội ngũ giảng viên cơ hữu và các tổ bộ môn chuyên ngành đủ mạnh.

Hai là, tiếp cận theo xu thế kinh tế số với chuyên ngành kinh doanh số. Cơ sở đào tạo đã cải tiến nội dung CTĐT có cập nhật các học phần theo chức danh nghề nghiệp thực tế của doanh nghiệp. Cách tiếp cận này, chỉ có các trường công mới đủ nguồn lực để nghiên cứu, soạn giáo trình và các sách chuyên khảo, tài liệu giảng dạy một cách bài bản.

Đối với Khoa Thương mại điện tử & Kinh tế Số của ĐNU thì theo cách tiếp cận thứ 2 đó là cải tiến mạnh mẽ về nội dung CTĐT nhưng cũng chú trọng vào đề cương và phương pháp đào tạo đem lại giá trị thực chất. Tuy nhiên, do là trường ngoài công lập nên cũng gặp rất nhiều khó khăn về nguồn lực, đặc biệt là thiếu các giảng viên cơ hữu có chuyên ngành và nền tảng về TMĐT. Cơ sở đào tạo càng cải tiến nhiều thì nguồn lực về giảng viên chuyên môn TMĐT để hoàn thiện đề cương, giáo án, tài liệu giảng dạy, thậm chí giáo trình riêng để tạo nên bản sắc riêng lại càng khó khăn. Hiện nay, chỉ ĐHTM và ĐH KTQD mới có đủ nguồn lực để làm tốt được điều này.

Khoa TMĐT&KTS của ĐNU đào tạo ngành TMĐT theo cơ chế đặc thù, đổi mới sáng tạo bằng cách cải tiến CTĐT, tăng thời lượng học phần thực tập tại các doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp sẽ đánh giá chuẩn đầu ra của môn học đối với sinh viên về: kiến thức, kỹ năng và thái độ. Như vậy, Khoa tiếp cận theo phương pháp đào tạo gắn với nhu cầu của thị trường lao động, đồng thời gắn doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo kỹ năng chuyên ngành cho sinh viên theo phương pháp tập huấn cho nhân viên mới sau khi tuyển dụng.

Thực tế hiện nay TMĐT đang là cơ hội để thúc đẩy nền kinh tế số, là môi trường thuận lợi cho việc ứng dụng các mô hình kinh doanh. Là một người theo dõi đồng hành với sự phát triển TMĐT từ giai đoạn đầu khi là nhà báo phụ trách các vấn đề về Công nghệ thông tin và Truyền thông của Đài truyền hình Hà Nội và VTC, đồng thời là Tiến sĩ với luận án chuyên ngành TMĐT, tác giả cũng nhận thấy còn có nhiều bất cập trong phương pháp đào tạo và sự cần thiết phải thay đổi, cải tiến sáng tạo nhiều hơn nữa để phù hợp với nhu cầu thực tế thị trường lao động, cung cấp cho người học về tư duy sáng tạo và kỹ năng, thái độ cần thiết về việc làm trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Ngành thương mại điện tử ra đời và thí điểm đầu tiên tại Đại học Thương mại khi đó là chuyên ngành quản trị thương mại điện tử của ngành Quản trị kinh doanh. Các nội dung học phần trong chương trình đào tạo theo hướng quản trị kinh doanh và chỉ có một số ít học phần chuyên ngành thương mại điện tử.

Trong bối cảnh nền kinh tế số hiện nay, một số trường xuất hiện thương mại điện tử nhưng vẫn đi theo lối đào tạo cũ mà chưa có sự đổi mới cũng như sự “mạnh dạn” để công tác đào tạo thương mại điện tử đi đúng theo bản chất của nó. Đa số các trường đều tiếp cận đào tạo theo cách truyền thống, nghĩa là đào tạo một cách tổng quan, bài bản theo hướng học thuật rất căn bản để người học có được chuyên môn căn bản về TMĐT nhưng cũng có thể làm được rất nhiều các công việc khác nhau. Ví dụ như các công việc quản trị doanh nghiệp hay thậm chí là kinh doanh thương mại, marketing, digital marketing…. Cách này, tác giả nhận thấy nó sẽ thành công với những cơ sở đào tạo có nguồn lực lớn và chủ yếu là trường công. Trường ngoài công lập khó có thể thành công theo phương pháp trên.

Các trường tư (ngoài công lập) thì tiếp cận dưới góc độ thực dụng hơn, nghĩa là cử nhân thực hành ứng dụng chứ không phải cử nhân nghiên cứu. Tuy nhiên, cũng hiếm có cơ sở đào tạo có phương pháp đào tạo đặc thù, đó là: “Đào tạo ngược”. Nghĩa là đào tạo một số môn chuyên ngành ngay từ năm nhất. Các học phần bắt buộc hoặc cơ sở ngành có thể chuyển sang kế hoạch đào tạo của năm 2,3 hoặc năm cuối để hoàn thành đủ các tín chỉ theo yêu cầu CTĐT.

Với Khoa Thương mại điện tử & Kinh tế Số tại ĐNU, chúng tôi đang triển khai đào tạo TMĐT và chuyên ngành Kinh tế Số đi theo chương trình đào tạo và phương pháp sáng tạo và cập nhật. Các học phần chuyên ngành về cơ bản là các chức danh nghề nghiệp, công việc thực tế tại doanh nghiệp theo nhu cầu của thị trường lao động. Điều này thể hiện rõ nét trong chương trình đào tạo của Khoa. Các học phần trong chương trình đào tạo được áp dụng sau khi khảo sát ý kiến từ người học, doanh nghiệp và các chuyên gia chuyên ngành về thương mại điện tử, tất cả đều cho thấy sự khả quan và hướng đến giúp người học có sự lựa chọn đúng đắn khi làm việc và phát triển bản thân.

  1. Hướng đến đổi mới phương pháp đào tạo TMĐT

          Trong phạm vi bài tham luận này, tác giả cũng mạo muội đưa ra một số quan niệm mới về phương pháp đào tạo trong ngành thương mại điện tử nhằm hướng đến sự thay đổi theo hướng sáng tạo và sự phù hợp với bản chất đào tạo chuyên ngành.

Thứ nhất, “đào tạo ngược” có nghĩa là tiếp cận từ xa tới gần hay nói cách khác từ năm 4 xuống năm nhất. Điều này có nghĩa từ năm nhất đại học, người học đã được tiếp cận những vấn đề liên quan đến thương mại điện tử và học những học phần tổng quan về ngành học và học phần chuyên ngành của năm 4. Phương pháp truyền thống chuyên đào tạo những môn đại cương khi người học bước vào giảng đường thì đối với ngành thương mại điện tử người học sẽ học kết hợp và vẫn đảm bảo được số tín chỉ trong một kỳ, một năm. Một số học phần chuyên ngành cũng được đưa vào đào tạo ngay từ năm nhất. Đây là cơ sở để người học tiếp cận ngành sớm nhất, có định hướng cho bản thân, phát hiện tố chất của bản thân đối với ngành học. Đó cũng là vấn đề đã được tác giả trao đổi, thảo luận trong cuộc hội thảo diễn ra gần đây nhất với tại diễn đàn thương mại điện tử thúc đẩy kinh tế sau đại dịch do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam(Vecom) tổ chức.

Cái “hay” của “đào tạo ngược” do tác giả nhận thấy rằng, sinh viên năm nhất sẽ có nhiều năng lượng tốt, tích cực nhất, hào hứng nhất muốn khám phá học hỏi nhất khi chuyển từ môi trường THPT sang Đại học. Bởi vậy, các em cần tiếp cận với kiến thức chuyên ngành ngay thay vì những học phần đại cương bắt buộc tẻ nhạt, nhàm chán, mang nặng tính lý thuyết hàn lâm. Bên cạnh đó, một điều rất nhân văn đó là dạy các em kỹ năng thực hành, ứng dụng, thực chiến để có nghề, có thể làm các công việc online, partime để có thu nhập hỗ trợ thêm cho việc học hành và chi phí sinh hoạt của sinh viên.

Thứ hai, hầu hết các học phần của ngành thương mại điện tử đều được phân bổ trong 3 tín chỉ, trong đó có 1 tín chỉ lý thuyết, 1 tín chỉ thực hành và 1 tín chỉ thực chiến, trải nghiệm tại các doanh nghiệp trong lĩnh vực hoặc có liên quan đến thương mại điện tử. Sở dĩ việc đào tạo theo phương pháp có 1 tín chỉ thực chiến, trải nghiệm nhằm mục đích cho người học sớm được tiếp xúc với thực tế, “học đi đôi với hành”, hiểu được thực tế môn học đó sẽ áp dụng ra sao với công việc tại doanh nghiệp. Sinh viên sẽ phải trả lời câu hỏi của chủ doanh nghiệp là: Sản phẩm của em là gì? Có đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp hay không?

Phương pháp này giúp người học có được tư duy về việc làm khi ra trường và tự đánh giá được lĩnh vực bản thân theo đuổi, đồng thời hình thành kỹ năng cần thiết làm việc hiệu quả. Bên cạnh đó, để đạt yêu cầu chuẩn đầu ra của học phần này thì tín chỉ thực chiến, trải nghiệm sẽ do các doanh nghiệp chịu trách nhiệm tiêu chuẩn kỹ năng. Thực chất của vấn đề này chính là các chủ doanh nghiệp sẽ chấm điểm và đào tạo người học tại doanh nghiệp của mình tất cả những vấn đề có liên quan đến học phần đang được học. Người học có nghĩa vụ đến các doanh nghiệp để học tập và hoàn thiện yêu cầu mà doanh nghiệp đưa ra – một trong những điều kiện tiên quyết hoàn thành học phần. Đây được xem là yếu tố quan trọng góp phần vào việc chuẩn đầu ra kỹ năng cho người học, kỹ năng này sẽ được thu nạp từ thực tế thực hành, thực chiến, làm việc tại doanh nghiệp.

Thứ ba, phương pháp đào tạo thương mại điện tử cần phải gắn với xu thế chuyển đổi số trong nền kinh tế số. Bởi lẽ, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo ra xu hướng chuyển đổi số, mang lại khả năng bứt phá cho nền kinh tế. Nhiều công nghệ đột phá dựa trên nền tảng số hóa, tích hợp với các công nghệ thông minh tự động hóa kinh doanh. Nổi bật là kinh tế số với trí tuệ nhân tạo, tiền kỹ thuật số, tài sản ảo, kinh tế truyền thông số… với những chuyển biến lớn, trong đó, thương mại điện tử được xem là mũi nhọn và trụ cột của nền kinh tế số. Với tư duy đào tạo nâng cao khả năng sáng tạo, người học không chỉ nhận ra sự phát triển của thương mại điện tử và còn có hướng phát triển nó dựa trên không gian kinh tế số, chuyển đổi số, từ đó phát huy sự sáng tạo cũng như sự đổi mới về ngành học.

  1. Kết luận

Trên đây là góc nhìn và quan niệm của tác giả khi bàn về phương pháp đào tạo nhân lực cho ngành thương mại điện tử trong bối cảnh chuyển đổi số và sự đổi mới phương pháp đó để phù hợp với thực tiễn cũng như mang lại giá trị cho sinh viên học ngành thương mại điện tử. Có thể khẳng định, chương trình đào tạo, phương pháp đào tạo cần được xây dựng và thực thi theo hướng ứng dụng với việc tăng cường các kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng mềm và kỹ năng ngoại ngữ, góp phần chuẩn đầu ra nhân lực thương mại điện tử  chuyên nghiệp, bám sát thực tế, người học sớm được thực chiến tại doanh nghiệp ngay từ năm thứ nhất. Cùng với đó, thường xuyên cập nhật những kiến thức khoa học – công nghệ tiên tiến trên thế giới nhằm đáp ứng với xu hướng phát triển không ngừng của Thương mại điện tử & Kinh tế số trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay./.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *