Tăng trưởng kinh doanh với chiến lược bán hàng đa kênh

Đoàn Dung

Dịch Covid-19 đã làm thay đổi rất lớn hành vi mua sắm của người tiêu dùng, từ đó tác động mạnh đến thị trường bán lẻ và ngành thương mại điện tử Việt Nam.

Thay vì bán hàng trên một kênh truyền thống như trước đây, các doanh nghiệp sử dụng nhiều kênh khác nhau để mở rộng khả năng tiếp cận khách hàng. Do đó, bán hàng đa kênh đang trở thành xu hướng hiệu quả và tất yếu đối với các doanh nghiệp tham gia thị trường bán lẻ.

Thông tin trên được ông Duy Vũ – Industry Manager of Google chia sẻ tại Diễn đàn toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2021 với chủ đề “Tăng trưởng doanh thu với chiến lược Omnichannel shopping”.

Bán hàng đa kênh – xu hướng chuyển đổi mới của doanh nghiệp nhỏ và vừa

Theo nghiên cứu của Google năm 2020, 83% người Việt dành thời gian hơn để nghiên cứu thông tin về sản phẩm trên online trước khi đưa ra quyết định mua hàng. Đặc biệt, khi đại dịch bùng nổ, người tiêu dùng ngay lập tức thay đổi các ưu tiên trong thói quen tiêu dùng, từ thuận tiện sang an toàn, từ cân nhắc về giá cả sang tình trạng có sẵn của hàng hóa, từ mong muốn sang nhu cầu thiết yếu.

Vì vậy, xu hướng tìm kiếm và mua hàng tại các cửa hàng online đang dần trở nên phổ biến trong tất cả các lĩnh vực của ngành bán lẻ.

Tuy nhiên, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, kênh bán hàng offline (tại các cửa hàng) vẫn chiếm tỷ trọng lớn với 75% người được khảo sát trả lời họ giao dịch mua bán và dịch vụ tại cửa hàng và chỉ 25% mua hàng online; 76% người tiêu dùng có xu hướng sử dụng nguồn thông tin kết hợp cả online và offline. Và hành vi mua hàng phổ biến nhất là khách hàng tìm kiếm thông tin về sản phẩm trên online sau đó ra cửa hàng mua hàng.

Với những thay đổi về hành vi mua sắm đó, ông Duy Vũ cho rằng các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần nhanh chóng mở rộng và tăng cường bán hàng đa kênh.

Bán hàng đa kênh (omnichannel) bao gồm các kênh online (website, Facebook, Zalo…) và các kênh offline (trực tiếp tại các cửa hàng, đại lý…) được tích hợp đồng bộ vào một hệ thống là xu hướng khá phổ biến trên thế giới. Tuy nhiên để đáp ứng nhu cầu của tệp khách hàng mua sắm đa kênh này đòi hỏi doanh nghiệp phải không ngừng thay đổi.

Theo ông Duy Vũ, khách hàng mua sắm đa kênh thường là tệp khách hàng có giá trị rất cao đối với doanh nghiệp bởi họ có xu hướng quay trở lại mua hàng nhiều hơn và đóng góp vào giá trị của doanh nghiệp nhiều hơn 30% so với nhóm khách hàng khác.

Tuy, nhóm khách hàng này mang lại giá trị cao cho doanh nghiệp nhưng lại khó tiếp cận bởi  trong quá trình mua sắm họ cũng sử dụng nhiều thiết bị khác nhau như điện thoại, máy tính bảng, smart tivi cũng như kết hợp nhiều luồng thông tin từ online đến offline để đưa ra quyết định.

Bên cạnh đó, khách hàng ngày nay còn có yêu cầu khắt khe hơn. Họ mong muốn doanh nghiệp cung cấp thông tin đầy đủ, rõ ràng nhất và trong thời gian ngắn nhất kể từ khi tìm kiếm. Họ cũng trở nên mất kiên nhất hơn và mong đợi doanh nghiệp phản hồi lại tin nhắn của họ hay giao hàng trong khoảng thời gian ngắn hơn. Họ luôn có xu hướng so sánh sản phẩm và dịch vụ từ các doanh nghiệp khác nhau để tìm cho mình sản phẩm chất lượng với giá cả ưng ý nhất.

Tất cả những điểm trên cho thấy việc tiếp cận nhóm khách hàng đa kênh này không dễ dàng và bởi vì giá trị cao mà nhóm khách hàng này mang lại nên doanh nghiệp cần có chiến lược tiếp cận đa kênh phù hợp và hiệu quả để không bỏ lỡ nhóm khách hàng giá trị cao này.

Giải pháp nâng cao hiệu quả bán hàng đa kênh

Theo ông Duy Vũ, để xây dựng được chiến lược tiếp cận bán hàng đa kênh phù hợp, doanh nghiệp cần lưu ý 3 điểm sau:

1. Tạo website hoặc cửa hàng online

Việc sở hữu 1 website giúp doanh nghiệp kết nối với khách hàng tốt hơn thông qua việc cung cấp thông tin, dịch vụ về sản phẩm, mang đến cho khách hàng trải nghiệm mua sắm tốt hơn: Khách hàng có thể nhắn tin, gọi điện trực tiếp với doanh nghiệp, cũng như nhận thông tin mới về các chương trình khuyến mại…

Thông qua website, doanh nghiệp tận dụng được nguồn dữ liệu khổng lồ, từ đó vẽ được chân dung khách hàng: Họ là ai?, đến từ đâu? Họ đang tìm kiếm thông tin, sản phẩm gì?

Khi đã nắm vững các thông tin căn bản trên, doanh nghiệp dễ dàng xây dựng chiến lược tiếp cận khách hàng một cách hiệu quả như kéo khách hàng quay trở lại website hoặc với những khách hàng đã mua sản phẩm thì có chiến lược gia tăng bán hàng (upsell), khuyến khích mua thêm sản phẩm khác (cross sell).

2. Đưa thông tin về doanh nghiệp lên online

Việc đưa toàn bộ thông tin của doanh nghiệp lên online như số điện thoại, địa chỉ, email, hình ảnh công ty, hình ảnh sản phẩm thông qua công cụ khá phổ biến như Google Business sẽ giúp khách hàng tiếp cận dễ dàng hơn, giúp doanh nghiệp quản lý sự hiện diện trực tiếp trên Google, bao gồm Google Search (Google tìm kiếm) và Google Maps (Google bản đồ).

3. Quảng cáo sản phẩm trên các kênh online

Việc quảng bá, quảng cáo sản phẩm trên các kênh online giúp tiếp cận khách hàng đa kênh một cách tốt nhất, đưa đến cho khách hàng nhiều luồng thông tin và nhiều sự lựa chọn.