Bảo vệ động vật hoang dã

Nhiều loại động vật hoang dã hiện đang đứng trước bờ vực của sự tuyệt chủng nếu không có sự chung tay bảo vệ của cộng đồng. Tại sao phải bảo vệ các loài động vật hoang dã và làm thế nào để mỗi cá nhân có thể góp phần bảo vệ chúng? Dưới đây là một số thông tin để trả lời cho câu hỏi này.

Tình trạng nguy cấp với các loài động vật hoang dã hiện nay.

Theo ước tính hiện nay có gần 1.600 loài có nguy cơ bị tuyệt chủng cần được bảo vệ. Có đến gần ½ sinh vật trên trái đất cư trú và sinh trưởng ở những khu rừng nhiệt đới. Tuy nhiên, hàng năm diện tích rừng nhiệt đới đang bị thu hẹp hàng trăm nghìn ha và nhiều loài động vật hoang dã (ĐVHD) đã bị tuyệt chủng do mất nơi sinh sống.

Sự biến mất của một số loài ĐVHD không chỉ do môi trường sống bị phá hủy mà còn do con người trực tiếp gây ra. Hoạt động săn bắt, vận chuyển, buôn bán trái pháp luật các loài ĐVHD đã làm cho số lượng của chúng trong tự nhiên bị suy giảm nhanh chóng.

Tại Việt Nam, theo Cục Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong những năm qua công tác quản lý, bảo vệ các loài nguy cấp, quý hiếm đã đạt nhiều kết quả tích cực, số vụ vi phạm về ĐVHD đã giảm qua các năm. Tuy nhiên, tình hình vẫn diến biến phức tạp, nhiều vụ việc nghiêm trọng với thủ đoạn ngày càng tinh vi, theo thống kê chưa đầy đủ, trong hai năm 2018 và 2019, lực lượng kiểm lâm toàn quốc đã xử lí hơn 560 vụ vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ động vật rừng.

Thống kê của Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nan cho thấy, từ năm 2015 đến 2019, các cơ quan chức năng đã tịch thu hơn 36 tấn ngà voi, gần 700 kg sừng tê giác và hơn 37 tấn tê tê (bao gồm cá thể sống và vảy).

Điển hình, ngày 25/1/2019, hơn 50 kkg ngà voi và 1,5 tấn vẩy tê tê đã được phát hiện và thu giữ trong công-ten-nơ gỗ tại cảng Hải Phòng. Ngày 27/7/2019, lực lượng bảo vệ pháp luật đã bắt giữ 130 kg sừng tê giác tại sân bay Nội Bài. Trước đó, ngày 18/4/2019, cơ quan chức năng của tỉnh Hưng Yên cũng bắt giữ 39 cá thể tê tê do các đối tượng đang vận chuyển, tiêu thụ.

Trong giai đoạn giãn cách xã hội để phòng chống dịch covid-19 tại Việt Nam, nhiều vi phạm liên quan đến buôn bán ĐVHD trên mạng internet cũng đã bị các cơ quan chức năng phát hiện và xử lý triệt để. Trong đó, nhóm loài: voi, tê tê, tê giác, các loài rùa nước ngọt, rùa biển và các loài mèo lớn là những loài bị buôn bán phổ biến nhất.

Vai trò động vật hoang dã với hệ sinh thái

Hiện nay, trên trái đất có khoảng 15 triệu sinh vật đang cùng sinh sống và phát triển. Mọi cá thể, giống loài đều đóng một vai trò nhất định trong mạng lưới phức tạp mà ta gọi là sinh quyển. Ngược lại, sinh quyển của trái đất được tạo nên từ vô số hệ sinh thái bao gồm các loài động, thực vật cũng như môi trường sống tự nhiên của chúng. Bảo vệ động vật hoang dã là bảo vệ đa dạng sinh học.

Chưa có một nghiên cứu đầy đủ nào về các loại động vật hoang dã có những tác động như thế nào. Nhưng nếu một loài biến mất thì đồng nghĩa sẽ có các phản ứng dây chuyền lên các loài và hệ sinh thái khác và có thể gây ra những hậu quả toàn cầu.

Động vật ĐVHD đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc đảm bảo cân bằng sinh thái, môi trường sống trong lành, mang giá trị kinh tế, phục vụ sản xuất nông nghiệp và tạo điều kiện phát triển ngành y học, sinh học và các ngành khoa học khác. Trong bối cảnh các loài ĐVHD đang gặp nguy cơ tuyệt chủng từ hoạt động săn bắt, buôn bán bất hợp pháp cũng như suy giảm sinh cảnh, việc bảo vệ chúng càng trở nên cấp thiết.

Cách bảo vệ động vật hoang dã

Hiện nay, trên thế giới và Việt Nam đã đưa việc bảo vệ động vật hoang dã vào điều luật và dùng các chế tài mạnh để răn đe người vi phạm. Theo quy định của Luật Hình sự Việt Nam ban hành năm 2005, sửa đổi năm 2017, hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép các sản phẩm từ động vật hoang dã có thể bị xử phạt tới 15 năm tù giam hoặc phạt tiền tới 5 tỷ đồng đối với cá nhân. Pháp nhân vi phạm có thể bị phạt tiền tới 15 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động từ 6 tháng đến 3 năm hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

Việt Nam hiện cũng tập trung nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã. Hiện tại Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đang phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thực hiện Dự án Phòng, chống buôn bán trái pháp luật các loài động, thực vật hoang dã với nhiều hoạt động nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật cũng như nâng cao năng lực của lực lượng thực thi pháp luật về động vật hoang dã.

Bên cạnh đó, việc xây dựng các khu bảo tồn, vườn sinh thái để duy trì sự đang dạng sinh học là một biện pháp thiết thực giúp tạo môi trường sống tự nhiên cho động vật và bảo vệ chúng khỏi sự săn bắt của con người. Trên thế giới đã có rất nhiều vườn sinh thái, vườn quốc gia phải kể đến như: Khu bảo tồn động vật hoang dã rừng mưa Amazon, Khu bảo tồn động vật hoang dã Khao SoK (Thái Lan), Công viên quốc gia Grand Teton (Mỹ), Công viên quốc gia Bandhavgarh (Ấn Độ)…

Ở Việt Nam cũng có nhiều vườn quốc gia quy mô khá lớn như: Vườn quốc gia Cúc Phương, Vườn quốc gia Nam Cát Tiên, cũng như các khu bảo tồn một số loài đặc biệt như Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Voi ở Quảng Nam… đang thực hiện công tác bảo tồn và cứu hộ các loài động vật hoang dã.

Một trong những hoạt động quan trọng nhằm bảo vệ các loài ĐVHD là đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng và nguy cơ tuyệt chủng của các loài động vật để mỗi con người có ý thức, trách nhiệm hơn trong việc ngăn chặn những hành vi gây tác hại đến thế giới hoang dã.

Mỗi cá nhân có thể góp phần bảo vệ các loài hoang dã bằng cách không mua bán, không sử dụng các sản phẩm từ ĐVHD, không dùng ĐVHD làm quà tặng. Đặc biệt các doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử phải tránh và ngăn chặn việc quảng cáo các sản phẩm từ động vật hoang dã trái pháp luật, cũng như cảnh báo vi phạm cho cả người bán và người mua.

Theo VECOM