Áp thuế chống bán phá giá, thị phần thép nội gia tăng
Thép inox nhập khẩu từ một số quốc gia và vùng lãnh thổ vào VN đang bị áp thuế CBPG

Kể từ khi thuế chống bán phá giá (CBPG) được áp dụng đối với sản phẩm thép không gỉ cán nguội nhập khẩu vào Việt Nam, ngành sản xuất trong nước dần tăng trưởng.

Hồi phục sản xuất trong nước

Bộ Công thương đang trong quá trình rà soát cuối kỳ áp dụng biện pháp CBPG đối với sản phẩm thép không gỉ cán nguội (thép inox) nhập khẩu vào Việt Nam từ Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và Đài Loan. Các sản phẩm thép inox từ các nước khác vẫn nhập khẩu vào Việt Nam mà không bị áp thuế CBPG.

Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công thương) cho biết sau khi áp dụng biện pháp CBPG đối với sản phẩm này từ tháng 10.2014, ngành sản xuất trong nước bắt đầu phục hồi và dần tăng trưởng.

Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy sau khi áp thuế CBPG được áp dụng, tổng lượng thép inox nhập khẩu vào Việt Nam vẫn gia tăng so với trước khi áp thuế. Trong giai đoạn điều tra gần nhất từ ngày 1.7.2017 – 30.6.2018, nhập khẩu thép inox vẫn chiếm 57,2% tổng tiêu thụ trong nước.

Bên cạnh đó, về mặt giá cả, chênh lệch giá hàng nhập khẩu và sản phẩm nội địa đã thu hẹp giữa trước và sau khi áp thuế CBPG, biến động giá tăng giảm đều đồng nhất giữa sản phẩm nhập khẩu và sản phẩm nội địa đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc cạnh tranh theo mặt tích cực.

Cơ quan điều tra khẳng định, biện pháp CBPG không phải là biện pháp bảo hộ mà nhằm đảm bảo điều kiện thương mại công bằng giữa hàng hóa nhập khẩu và hàng hóa sản xuất trong nước.

Vì thế, thuế CBPG chỉ áp dụng đối với hàng hóa của các nước có các doanh nghiệp bán phá giá. Điều này thể hiện ở việc mức thuế CBPG với các doanh nghiệp là khác nhau, tùy thuộc vào mức độ bán phá giá trong từng giai đoạn.

Đáng lưu ý, trong quá trình điều tra, Bộ Công thương đã cân nhắc, xem xét miễn trừ áp dụng biện pháp CBPG đối với các sản phẩm thép không gỉ cán nguội làm nguyên liệu đầu vào mà trong nước chưa sản xuất được hoặc chưa đáp ứng nhu cầu nhằm đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng…

Hơn nữa, quá trình điều tra và việc áp dụng biện pháp CBPG đã tuân thủ đầy đủ các quy định của luật Quản lý ngoại thương và quy định của WTO.

Trước tình trạng bán phá giá của các nhà sản xuất và xuất khẩu nước ngoài gây thiệt hại đối với sản xuất trong nước thì việc áp dụng CBPG là cần thiết để duy trì mội trường cạnh tranh bình đẳng, góp phần thúc đẩy cạnh tranh ở thị trường nội địa và giúp thu hút thêm sự tham gia đầu tư của nhiều doanh nghiệp sản xuất. Đồng thời đảm bảo người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn giữa sản phẩm nhập khẩu và nội địa.

Nguy cơ mất “hàng rào” thương mại

Áp thuế chống bán phá giá là biện pháp đảm bảo cạnh tranh công bằng giữa thép nội và thép ngoại

Thời hạn 5 năm của việc áp thuế CBPG đối với các sản phẩm inox sắp hết hạn, hiện tại Bộ Công thương đang tiến hành rà soát “hoàng hôn” với việc áp thuế này. Nếu kết quả lần này thuế CBPG không được gia hạn thì thành quả đạt được trong 5 năm qua sẽ biến mất.

Trong khi đó, hiện các nước trên thế giới đều đang tăng cường xây dựng hàng rào bảo hộ như CBPG nhưng Việt Nam lại loại bỏ thì khả năng cao Việt Nam sẽ trở thành nạn nhân lớn nhất trong cuộc chiến thương mại toàn cầu.

Ví dụ ở Mỹ, thông qua việc áp thuế CBPG, chống trợ cấp đã áp thuế từ 25% đến tối đa là 289% đối với sản phẩm thép inox nhập khẩu. Còn ở châu Âu nếu số lượng nhập khẩu vượt quá mức cho phép thì đồng loạt sẽ bị áp thuế 25%…

Do đó nếu dỡ bỏ việc áp thuế CBPG, sản lượng dư thừa từ các nước trên thế giới sẽ đổ bộ ồ ạt về Việt Nam, làm cho các đơn vị sản xuất nội địa sẽ phải mất đi thị phần trong nước và chỉ có thể tồn tại dựa vào việc xuất khẩu.

Nhưng khi tăng cường xuất khẩu thì thép inox Việt Nam lại bị các nước tăng cường giải pháp phòng vệ thương mại nên có thể kết quả cuối cùng là các công ty Việt Nam sẽ không còn chỗ đứng tại thị trường trong nước lẫn thế giới.
Đồng thời, các đơn vị nội địa chịu nhiều thiệt hại với sự phá giá của các đơn vị sản xuất và xuất khẩu của nước ngoài sẽ lâm vào hoàn cảnh khó khăn đến mức phải ngừng hoạt động.

Việc này không chỉ đơn thuần dừng lại ở thiệt hại của các doanh nghiệp sản xuất thép inox mà còn ảnh hưởng đến nguồn thu của nhà nước, các doanh nghiệp liên quan và hàng ngàn người lao động.

Cuối cùng là rủi ro thiệt hại về người tiêu dùng khi hàng hóa giá rẻ đổ ồ ạt về Việt Nam thường là những sản phẩm chất lượng kém, dư thừa ở thị trường nội địa. Nếu sản phẩm kém chất lượng này được xuất khẩu sang nước ngoài sẽ làm mất uy tín đã xây dựng trong quá khứ và gây thiệt hại nặng nề đến hình ảnh của Việt Nam.

Ngoài ra, nếu các hàng hóa thành phẩm được sản xuất với nguyên liệu nhập khẩu chất lượng thấp thâm nhập vào thị trường nội địa Việt Nam thì mọi thiệt hại được chuyển đến người tiêu dùng cuối cùng của Việt Nam.

Vì vậy, nhằm tạo môi trường phát triển lành mạnh cho ngành sản xuất và tiêu dùng thép inox thì việc xây dựng hàng rào bảo hộ để ngăn chặn hàng hóa nhập khẩu kém chất lượng thâm nhập quá nhiều là việc cần thiết.

Theo Thanh Niên