Ai sẽ dẫn dắt cuộc chơi thương mại điện tử ở Việt Nam trong giai đoạn tới

Nguyên Hoàng

Phần lớn nền tảng thương mại điện tử hàng đầu đang hoạt động ở Việt Nam là của các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp qua biên giới

Như ở kỳ trước chúng  tôi đã đưa tin, Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử (EBI) năm 2022 do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) mới công bố đáng chú ý là nổi lên xu hướng mới là sự xuất hiện và phát triển của các nền tảng hỗ trợ mua bán trong cộng đồng. Tuy nhiên phía sau sự đơn giản và hiệu quả của xu hướng bán lẻ mới, thậm chí có thể là cuộc cách mạng bán lẻ online, theo mô hình mua bán trong cộng đồng là cả hệ sinh thái kinh doanh số to lớn và phức tạp.

Ai hơn ai

Theo EBI, bề nổi của hoạt động mua bán này hoàn toàn diễn ra trên mạng xã hội. Phía sau là các nền tảng cung cấp giải pháp bán hàng đa kênh (Omnichannel Solution Platforms), các nền tảng kết nối người bán với nhà cung cấp sản phẩm, chuyển phát, thanh toán  tiếp thị số (Dropshipping Platforms).

Trước hết, những mạng xã hội hàng đầu hiện nay hỗ trợ mua bán theo mô hình này đều của nước ngoài, bao gồm Facebook, Youtube, TikTok. Rõ ràng, về phương diện cá nhân, hoạt động kinh doanh của người bán quá phụ thuộc vào các mạng xã hội nước ngoài luôn luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Những rủi ro này còn lớn hơn nữa nếu xét trên phương diện quốc gia.

Nhưng để các mạng xã hội trong nước chiếm ưu thế là nhiệm vụ vô cùng khó khăn. Bên cạnh nhiều yếu tố khác, một mạng xã hội thành công chắc chắn cần những khoản đầu tư đáng kể. Tới nay, một số công ty công nghệ thông tin hàng đầu Việt Nam như VNG (Zalo), Viettel Telecom (Mocha), VCCorp (Lotus) đã xây dựng các mạng xã hội của mình.

Một số doanh nghiệp khởi nghiệp (Startups) cũng năng động xây dựng mạng xã hội.  Trong đó, mạng xã hội Zalo của VNG được khá đông người dùng sử dụng như công cụ hữu ích để bán hàng trực tuyến.

Mặc dù kỳ vọng Việt Nam có mạng xã hội riêng được sử dụng phổ biến còn khá xa vời, nhưng nếu có sự đầu tư thoả đáng của doanh nghiệp, mạng xã hội của Việt Nam có thể có chỗ đứng vững chắc trong các thị trường ngách cũng như trong cuộc cách mạng bán lẻ mới.

Trong khi việc nhà nước trực tiếp đầu tư và vận hành một mạng xã hội là không khả thi thì câu hỏi đặt ra với các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt xây dựng mạng xã hội là họ có thể tìm kiếm vốn đầu tư từ đâu để mạng xã hội của họ vừa thu hút được đông đảo người dùng vừa thực sự là “của Việt Nam”.

Tính chung trong năm 2021 các doanh nghiệp khởi nghiệp đã thu hút được trên 1,3 tỷ USD vốn đầu tư, cao hơn số vốn của hai năm trước

Thứ hai, tới nay phần lớn các nền tảng hỗ trợ bán hàng đa kênh hay nền tảng kết nối người bán với nhà cung cấp do các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam xây dựng và vận hành.

Muốn trở thành những nền tảng lớn hơn và có chỗ đứng vững chắc trên thị trường các nhà sáng lập cần thu hút vốn đầu tư lớn. Với xu hướng đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp liên quan tới thương mại điện tử cho tới nay, có thể dự đoán nguồn vốn chủ yếu sẽ từ các nhà đầu tư nước ngoài.

Thứ ba, những nền tảng trên hay các nền tảng mạng xã hội chỉ là một phần của hệ sinh thái các nền tảng cho thương mại điện tử.  Các nền tảng này có thể phát triển thành những mô hình kinh doanh quy mô lớn mang lại lợi nhuận cao, đồng thời cần nhiều vốn đầu tư.

Ai đầu tư

Tính chung trong năm 2021 các doanh nghiệp khởi nghiệp đã thu hút được trên 1,3 tỷ USD vốn đầu tư, cao hơn số vốn của hai năm trước. Đã có 208 quỹ đầu tư mạo hiểm đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp, với gần 40 quỹ đầu tư trong nước. Những lĩnh vực hấp dẫn nhất là công nghệ tài chính (Fintech), bán lẻ trực tuyến (Online Retail), công nghệ giáo dục (Edtech), công nghệ y tế (Medtech).

Đặc điểm chung của việc đầu tư vào các nền tảng này là rủi ro cao. Cho tới nay và có thể nhiều năm tới phần lớn vốn đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp xây dựng nền tảng thương mại điện tử là từ nước ngoài.

Như vậy, phần lớn nền tảng thương mại điện tử hàng đầu đang hoạt động ở Việt Nam  là của các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp qua biên giới như Facebook, Google, TikTok, Agoda, hoặc là của doanh nghiệp nước ngoài đầu tư trực tiếp như Shoppee, Lazada, Grab, Traveloka, hoặc do doanh nghiệp Việt Nam xây dựng và vận hành nhưng tỷ lệ vốn góp của nước ngoài tương đối cao như Tiki, Sendo, Momo, VNPay.

Muốn thương mại điện tử phát triển nhanh hơn nhất thiết phải thu hút nhiều hơn vốn đầu tư vào các nền tảng thương mại điện tử. Vấn đề đặt ra là ai sẽ dẫn dắt cuộc chơi này trong giai đoạn tới và những tác động của nó tới thương mại điện tử và kinh tế số của đất nước.

Thứ tư, trong khi các nguồn vốn đầu tư trong nước cho thương mại điện tử còn khan hiếm thì trong một số trường hợp việc sử dụng chúng lại chưa hiệu quả.

Chẳng hạn, trong những năm qua một số địa phương đã quan tâm tới thương mại điện tử và giao cho cơ quan quản lý nhà nước liên quan xây dựng các sàn giao dịch thương mại điện tử. Kinh phí xây dựng và vận hành những sàn này chủ yếu tới từ ngân sách nhà nước.

Tới năm 2022 phần lớn những sàn thương mại điện tử do các địa phương xây dựng và vận hành đều hoạt động không hiệu quả, số giao dịch thấp, sản phẩm nghèo nàn, công nghệ lạc hậu, thông tin sản phẩm ít được cập nhật, thiếu các dịch vụ hỗ trợ như tiếp thị, thanh toán, hoàn tất đơn hàng, v.v…

Đánh giá về Sàn thương mại điện tử do các địa phương xây dựng, vẫn theo EBI, có thể thấy các sàn này cơ bản mới dừng ở mức trang web cung cấp thông tin thương nhân và sản phẩm. Điểm sáng tới nay là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh,  hai địa phương dẫn đầu về thương mại điện tử, đã nói không với việc vận hành sàn thương mại điện tử của địa phương mình.

Nếu như một thập kỷ trước việc xây dựng sàn thương mại điện tử cho mỗi địa phương có thể có một số tác động tích cực thì tới nay các bên liên quan, bao gồm VECOM, nên rà soát, đánh giá lại việc duy trì hoạt động của các sàn này và đưa ra khuyến nghị để các địa phương sử dụng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước cho thương mại điện tử hiệu quả hơn.


Việc sử dụng tên miền của các sàn thương mại điện tử địa phương

Khảo sát của VECOM cho thấy tới tháng 3 năm 2022 có 44 địa phương trong số 63 tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương đã xây dựng và vận hành sàn thương mại điện tử. Phần lớn các địa phương giao cho Sở Công Thương là đơn vị chủ quản.

Điểm nổi bật là có đến 75% các sàn TMĐT đều sử dụng tên miền quốc gia .VN, 25% còn lại sử dụng tên miền quốc tế. Tên miền .VN vượt trội do các sàn TMĐT địa phương đều hướng đến khách hàng trong nước, sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt cho nên tên miền quốc gia là sự lựa chọn phù hợp nhất. Mặt khác, do đặc thù ưu tiên về khu vực địa lý của các công cụ tìm kiếm (Google, Bing…) nên các website đăng ký tên miền .VN có lợi thế về SEO, bởi vậy mang đến giá trị tìm kiếm cao hơn khi người dùng có địa chỉ IP trong nước.

Tên miền .VN với giá trị nhận diện, tin cậy, an toàn như một con tem bảo hành cho doanh nghiệp, bởi tính hợp pháp, xác thực của chủ thể được quản lý, nhận diện bởi cơ quan quản lý tên miền quốc gia Việt Nam (VNNIC).

Năm 2021 nhu cầu dịch chuyển sang môi trường kinh doanh trực tuyến tăng mạnh. VNNIC cùng hệ thống nhà đăng ký tên miền .VN đã triển khai chương trình chuyển đổi mô hình kinh doanh trực tuyến với các dịch vụ số sử dụng tên miền .

VN tại nhiều địa phương như Đồng Tháp, Vĩnh Long, Thái Nguyên, Hậu Giang, Lâm Đồng. Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh tham gia chương trình đều được tư vấn để xây dựng mô hình kinh doanh trực tuyến phù hợp với website tên miền .VN.

Nguồn: VNNIC và VECOM