Doanh nghiệp kỳ vọng về Hiệp định RCEP?

Minh Sơn – Thanh Phong

Bà Nguyễn Quỳnh Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên - Bộ Công Thương, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế - Bộ Tài chính và bà Trịnh Thị Thu Hiền Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa - Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương trả lời câu hỏi từ phía doanh nghiệp

Sáng ngày 23.5, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Công Thương (MOIT) và Đoàn đàm phán của Chính phủ về RCEP tổ chức Hội thảo: Hiệp định RCEP – Tình hình đàm phán và những vấn đề doanh nghiệp cần quan tâm.

Hội thảo lần này nhằm giúp doanh nghiệp cập nhật thông tin về tiến trình và xu hướng đàm phán RCEP. Qua đó, tạo cơ hội để doanh nghiệp trao đổi với Đoàn đàm phán về các vấn đề, lĩnh vực cụ thể mà doanh nghiệp quan tâm hoặc có lợi ích.

Trong đó, đàm phán Hiệp định Đối tác Toàn diện Khu vực (RCEP) giữa ASEAN (trong đó có Việt Nam) và 06 đối tác (là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc và New Zealand) diễn ra kể từ năm 2013 và hiện đang đi vào giai đoạn cuối. Khi hoàn tất, RCEP sẽ tạo ra một khu vực mậu dịch tự do rộng lớn, bao trùm nhiều đối tác xuất khẩu lớn của Việt Nam.

Đồng thời, với sự tham gia của các đối tác là nguồn cung nguyên liệu lớn cho Việt Nam (như Trung Quốc, Hàn Quốc…), việc hài hòa quy tắc xuất xứ cùng các quy định tạo thuận lợi thương mại trong RCEP hứa hẹn sẽ tạo ra những chuỗi giá trị khu vực mới, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng tốt hơn các ưu đãi thuế quan trong RCEP.

Tuy nhiên, tiến trình đàm phán RCEP đã bước sang năm thứ sáu, nhưng các cuộc đàm phán về các vấn đề chính vẫn chưa được hoàn tất. Các quốc gia thành viên vẫn chưa hoàn thành số lượng hàng hóa sẽ được loại bỏ thuế quan.

Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên – Bộ Công Thương – Đoàn Đàm phán Chính phủ về RCEP phát biểu tại hội thảo

Cũng tại hội thảo, Đoàn đàm phán RCEP của Chính phủ cũng đã trình bày về các khía cạnh cam kết quan trọng nhất của Hiệp định (thương mại hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, quy tắc…).

Đoàn đàm phán và doanh nghiệp cũng đã tham vấn, trao đổi trực tiếp về các vấn đề liên quan nhằm giúp tiến trình đàm phán bám sát, phục vụ tối đa lợi ích của doanh nghiệp. 

Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập – VCCI cho biết, nhu cầu của người tiêu dùng trong khu vực RCEP đối với các sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh tương đối cao. Cụ thể, là nông sản nhiệt đới, thực phẩm chế biến.

Để từ đó, doanh nghiệp Việt Nam có thể kỳ vọng Hiệp định RCEP sẽ giúp ưu đãi thuế quan được cải thiện hơn nữa, quy tắc xuất xứ nội khối được hài hòa, dễ đáp ứng hơn.

Cùng với đó, các quy trình về hải quan sẽ được thống nhất, tạo thuận lợi thương mại hay phải xây dựng các quy tắc chung để hạn chế, kiểm soát các hàng rào phi thuế quan cũng như giảm chi phí dưới tác động của mở cửa thị trường dịch vụ phục vụ sản xuất.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam cũng kỳ vọng một số thị trường dịch vụ sẽ mở hơn, đặc biệt là dịch vụ logistics, viễn thông…, nền tảng thương mại điện tử tốt hơn, Môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, cạnh tranh hơn…

Song song với đó, Hiệp định RCEP hứa hẹn sẽ là sự bảo đảm cho tương lai tự do hóa cho khu vực trước xu hướng bảo hộ thương mại. Ngoài ra, với lợi ích “dự trữ” cho doanh nghiệp trước nguy cơ bảo hộ ở các thị trường xuất khẩu lớn khác, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung.

Mặc dù vậy, doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn những quan ngại về Hiệp định như không đạt được kỳ vọng về thị trường xuất khẩu hay kỳ vọng về “vùng lánh nạn RCEP” có thể không thành hiện thực.