Phát triển Thương mại điện tử và lối ra cho doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam

Nguyễn Quốc Khánh
Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM

Tóm tắt: Thương mại điện tử đã thay đổi thói quen tiêu dùng và trở thành lối sống của con người, đặc biệt kể từ khi diễn ra đại dịch. Phát triển kinh doanh trên các nền tảng trực tuyến mở ra cơ hội giúp cho mọi doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận được nguồn khách hàng rộng lớn và tăng doanh thu bán hàng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vừa và nhỏ khi kinh doanh thương mại điện tử cũng phải đối mặt với nhiều thách thức như đối thủ cạnh tranh, phát triển sản phẩm, trải nghiệm khách hàng,… Trên cơ sở tổng hợp nền tảng và đánh giá thực trạng phát triển thương mại điện tử trong nước, nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ mới trong công nghệ số, gợi ý một số giải pháp tìm lối ra cho phát triển thị trường thương mại điện tử đối với các doanh nghiệp và nhỏ tại Việt Nam

Từ khóa: công nghệ số, thương mại điện tử, E-commerce,

 

1.Giới thiệu

Phát triển kinh tế kéo theo sự mở rộng của chuỗi cung ứng. Những tiến bộ nhanh chóng trong công nghệ số và các công cụ fintech mới nổi, đã và đang tiếp tục thu hút phần lớn dòng tài chính tạo điều kiện cho sự phát triển các chuỗi cung ứng trên các nền tảng thương mại điện tử. Cùng với sự bùng nổ của internet, thương mại điện tử đã trở thành một xu thế phát triển bán hàng chủ yếu, không chỉ là mảnh đất màu mỡ, giàu tiềm năng cho các chủ doanh nghiệp phát triển, mà còn đóng góp rất lớn cho sự tăng trưởng chung của nền kinh tế. Trên thế giới, nhiều công ty công nghệ sớm ứng dụng những tiến bộ mới về công nghệ số đã nhanh chóng trở thành tập đoàn thương mại điện tử toàn cầu. Nhiều doanh nghiệp chuyển hướng sang kinh doanh thương mại điện tử, áp dụng các công nghệ mới bắt kịp với xu hướng và nhu cầu của người tiêu dùng. Tuy nhiên tại Việt Nam, thương mại điện tử hiện vẫn chưa phát triển tương xứng so với tiềm năng của nền kinh tế.

Theo khảo sát của IMRG năm 2021, tổng doanh số của thương mại điện tử toàn cầu tăng 16.3% so với năm 2020, bất chấp đại dịch COVID-19. Dự đoán một số xu hướng mới cùng các yếu tố cũ sẽ giúp doanh nghiệp thương mại điện tử có thể nắm bắt để tạo ưu thế cạnh tranh và phát triển mạnh mẽ trong các năm đến. Tuy nhiên, dự kiến làn sóng e-commerce sẽ giảm tốc khi đại dịch dần được kiểm soát. Song đây cũng được xem là thời điểm “vàng” để các doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư nền tảng công nghệ và tập trung vào các xu hướng mới, tận dụng cơ hội bứt tốc, mở rộng tầm ảnh hưởng. đặc biệt đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam (IMRG, 2021).

2.Nền tảng của thương mại điện tử

2.1. Thương mại điện tử là gì?

Thương mại điện tử (E-commerce, e-comm và EC) là sự mua bán sản phẩm hay dịch vụ trên các hệ thống điện tử như Internet và các mạng máy tính, dựa trên một số công nghệ như chuyển tiền điện tử, quản lý chuỗi dây chuyền cung ứng, tiếp thị Internet, quá trình giao dịch trực tuyến, trao đổi dữ liệu điện tử (EDI), các hệ thống quản lý hàng tồn kho, và các hệ thống tự động thu thập dữ liệu. Thương mại điện tử hiện đại thường sử dụng mạng World Wide Web, bao gồm một phạm vi lớn hơn về mặt công nghệ như email, các thiết bị di động cũng như điện thoại.

E-commerce có thể được phân chia thành ba loại:

– E-tailing (bán lẻ trực tuyến) hoặc “cửa hàng ảo” trên trang web

– Việc mua và bán giữa Doanh nghiệp với Doanh nghiệp;

– Bảo mật các giao dịch kinh doanh.

2.2. Ưu điểm vượt trội của E-commerce

Một số điểm mạnh nổi bật của E-commerce có thể kể đến như:

– Giao dịch không giới hạn;

– Quản lý hàng tồn kho tự động;

– Chi phí thấp, do không có cửa hàng;

– Nhiều ưu đãi;

– Thông tin minh bạch, rõ ràng;

– Thiết lập, nâng cao sự hiện diện của doanh nghiệp trên thị trường;

– Ứng dụng khá đa dạng trong kinh doanh

2.3. Nền tảng và các tính năng cần có của thương mại điện tử

Thương mại điện tử có ba loại nền tảng chính là

– Nền tảng SaaS (phần mềm dưới dạng dịch vụ),

– Nền tảng PaaS (nền tảng dưới dạng dịch vụ) và

– Nền tảng tại chỗ.

Các nền tảng SaaS và PaaS đều cung cấp các giải pháp thương mại điện tử thông qua internet. Các nền tảng SaaS, như Shopify, chỉ liên quan đến phần mềm. Khi được thêm một yếu tố phần cứng nữa sẽ được gọi là nền tảng PaaS. Một nền tảng ecommerce cơ bản luôn cần có ba tính năng: tìm kiếm, giỏ hàng và thanh toán, có thể được kết nối với nhau theo bất kỳ cách nào mà một công ty mong muốn. Ngoài ra, cũng có thể có các tính năng khác, như: cơ sở dữ liệu để lưu trữ chi tiết giao dịch, quản lý hàng tồn kho để theo dõi hàng hóa có sẵn, hỗ trợ khách hàng và quản lý đơn đặt hàng để cải thiện hành trình của khách hàng.

2.4. Các hình thức hoạt động chủ yếu của thương mại điện tử

+ Một doanh nghiệp E-commerce có thể sử dụng các hình thức dịch vụ sau đây:

– Dịch vụ mua sắm trực tuyến để bán lẻ trực tiếp cho người tiêu dùng thông qua các trang web, ứng dụng di động, trò chuyện trực tiếp, chatbot;

– Cung cấp hoặc tham gia vào các thị trường trực tuyến, xử lý doanh số từ doanh nghiệp đến người tiêu dùng (B2C) hoặc người tiêu dùng (C2C) của bên thứ ba; Mua và bán sản phẩm, dịch vụ từ doanh nghiệp đến doanh nghiệp (B2B);

– Trao đổi dữ liệu điện tử giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B);

– Tiếp thị cho khách hàng tiềm năng và thành lập bằng e-mail hoặc fax.

  1. Thực trạng phát triển E – commerce

3.1. Sự phát triển của các nền tảng thương mại điện tử toàn cầu

Thương mại điện tử xuất hiện lần đầu tiên vào thập niên 70, qua giới thiệu sử dụng công nghệ EDI và EFT, cho phép các doanh nghiệp gửi các hợp đồng điện tử như đơn đặt hàng hay hóa đơn điện tử. Sang thập niên 80, thương mại điện tử hình thành rõ hơn qua sự phát triển và chấp nhận của thẻ tín dụng, máy rút tiền tự động (ATM), ngân hàng điện thoại và hệ thống đặt vé máy bay bởi Sabre ở Mỹ và Travicom ở Anh. Năm 1990, với phát minh ra WorldWideWeb trình duyệt web và chuyển mạng thông tin liên lạc giáo dục thành mạng toàn cầu được gọi là Internet (www) của Tim Berners-Lee, thương mại điện tử bao gồm các hệ thống hoạch định tài nguyên doanh nghiệp (ERP), khai thác dữ liệu và kho dữ liệu. Cuối năm 2000, ecommerce mới thực sự trở thành kênh bán hàng toàn cầu. Trong tương lai, dự đoán các nền tảng thương mại điện tử sẽ triển khai và tích hợp với các thiết bị mới, trước tiên sẽ là IoT, cùng với giọng nói và thực tế ảo hoặc tăng cường, cho phép người tiêu dùng có thể mua hàng thông qua bảng điều khiển của mình khi đang làm việc.

3.2. Phát triển E – commerce tại Việt Nam

Tại Việt Nam, cụm từ E-commerce chính thức được biết đến vào năm 1997 nhưng vẫn còn khá mơ hồ. Đến năm 2003, Thương mại điện tử mới du nhập vào các trường Đại học, trở thành lĩnh vực được đào tạo bài bản, chuyên môn. Tuy nhiên phải mãi cho đến năm 2010, cùng với sự phát triển của mạng Internet, thiết bị di động, nhất là Smartphone và thẻ ngân hàng thương mại điện tử tại Việt Nam mới thực sự bùng nổ. Một điển hình về thành công trong việc ứng dụng thương mại điện tử tại Việt Nam trong thời gian gần đây là Thế giới di động. Công ty này tập trung rất nhiều vào việc xây dựng thành công trang website của chính mình và tạo tiếng vang lớn với nhiều sự đột phá trong việc phát triển kinh doanh trên nền tảng E-commerce. Ngược lại, một số tập đoàn hoạt động hoàn toàn dựa trên nền tảng thương mại điện tử, xây dựng mô hình kinh doanh xoay quanh việc thanh toán trực tuyến và vận chuyển hàng hóa đến tận nơi cho khách hàng. Các cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh nhỏ lẻ có thể tham gia vào bằng cách tạo dựng các cửa hàng trực tuyến ngay trên các trang thương mại điện tử thông qua chương trình “Bán hàng cùng …”. Top 3 sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam hiện nay có thể kể đến là: Shopee, Tiki, Lazada.

3.3. Vị thế của hàng Việt trên thị trường thương mại điện tử trong nước

Theo Sách trắng Thương mại điện tử 2021, Việt Nam hiện có 49,3 triệu người tiêu dùng tham gia mua sắm trực tuyến, tỷ lệ cao nhất trong khu vực. Tuy nhiên, trong khi các thương hiệu nước ngoài đẩy mạnh bán hàng trên sàn thương mại điện tử thì các doanh nghiệp trong nước vẫn còn đang loay hoay trong việc tận dụng kênh phân phối này. Khảo sát của iPrice năm 2021 phát hiện, các sản phẩm mang thương hiệu Việt chỉ chiếm trung bình 17% các mặt hàng được tìm mua ngược lại, có đến 83% số sản phẩm được quan tâm nhất trên các sàn thương mại điện tử lại là hàng ngoại nhập. Đáng lo ngại hơn khi con số này hiện đang có dấu hiệu suy giảm. Tuy nhiên, có một điểm sáng đáng mừng là hàng Việt lại bán chạy trong danh mục bách hóa online, chiếm tỉ trọng cao trên hai sàn nội địa. Sendo có đến 81% sản phẩm thuộc nhà sản xuất trong nước và con số này ở sàn Tiki là 63%. Báo cáo iPrice ghi nhận thêm các sản phẩm bán chạy trên hai sàn nội địa còn có nông sản, đặc sản chiếm 27% các sản phẩm bán chạy. Điều này cho thấy, những mặt hàng đặc sản và nông sản trên môi trường online cũng dần được người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn (Đỗ Phong, 2021).

  1. Cơ hội và thách thức cho sự phát triển E-commerce tại Việt Nam

4.1. Xu hướng đầu tư cho thương mại điện tử

Xu hướng thương mại điện tử trên thế giới

– Mua sắm trên thiết bị di động, những tiến bộ công nghệ như ứng dụng AR, AI, mạng 5G và mua sắm thông qua mạng xã hội sẽ thúc đẩy người dùng lựa chọn thiết bị di động để mua sắm trực tuyến.

– Khôi phục và tối ưu hóa chuỗi cung ứng, các nhà bán lẻ sẽ tự xây dựng đội ngũ riêng để tự quản lý các hoạt động cung ứng, vận chuyển thay vì thuê đối tác cung cấp dịch vụ logistic. Đồng thời áp dụng các công nghệ nhằm quản lý và phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn, như ERP;

– Thương mại điện tử B2B đang phát triển mạnh mẽ, đáp ứng các nhu cầu chuyên biệt của từng ngành, đặc biệt là thị trường dọc;

– Nâng cao trải nghiệm và tương tác với khách hàng, nhiều doanh nghiệp bắt đầu đầu tư vào VR và AR trên nhiều nền tảng thương mại điện tử khác nhau.

4.2. Cơ hội cho sự phát triển E-commerce tại Việt Nam

Theo nghiên cứu của IMRG (2022), Thị trường thương mại điện tử toàn cầu đang có xu hướng tăng trưởng mạnh, dự kiến đạt tổng giá trị 5,55 nghìn tỷ đô vào năm 2022. Hai năm trước, doanh số của mua hàng trực tuyến chỉ chiếm 17,8% so với tổng doanh số toàn ngành bán lẻ. Dự kiến, con số này sẽ tăng thành 21% vào năm 2022 và bứt phá lên 24.5% vào năm 2025. Trung Quốc tiếp tục dẫn đầu chiếm 52,1% tổng doanh số của thương mại điện tử so với thế giới, với hơn 2 nghìn tỷ đô la vào năm 2021. Mỹ được dự báo sẽ đạt hơn 875 tỷ USD vào năm 2022. Kế tiếp là Anh, chiếm 4,8% thị phần thương mại điện tử bán lẻ; tiếp đó là Hàn Quốc (2,5%). Đến năm 2023, doanh số thương mại điện tử bán lẻ ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (APAC) được dự đoán sẽ cao hơn so với các khu vực khác trên toàn thế giới. Nguyên nhân do mức độ đô thị hóa nhanh chóng, cùng sự tiến bộ vượt bậc trong công nghệ; Khả năng mua sắm tăng cao, có 85% dân số trung lưu phát triển; Một loạt các sáng kiến mới của chính phủ và doanh nghiệp tại APAC đưa ra, đặc biệt là tại Trung Quốc.

4.3. Thách thức cho sự phát triển E-commerce tại Việt Nam

Ngoài những cơ hội mới, ecommerce Việt Nam cũng gặp nhiều thách thức cần được giải quyết.

– Xây dựng lòng tin của khách hàng;

– Tính cạnh tranh cao;

– Thời gian giao hàng còn hạn chế, do cơ sở hạ tầng và hệ thống giao thong yếu kém;

– Bảo mật thông tin còn lỏng lẻo;

– Thanh toán gặp nhiều bất cập;

– Khả năng gặp phải sự cố kỹ thuật cao;

– Dịch vụ khách hàng vẫn chưa được đầu tư và sử dụng một cách bài bản;

– Tính tức thời, gây mất khá nhiều thời gian để chờ món hàng được giao;

– Sự trung thực, các hình ảnh trực tuyến như quảng cáo.

  1. Gợi ý về phát triển thương mại điện tử cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam

5.1. Chọn một nền tảng thương mại điện tử thích hợp

Điều đầu tiên mà doanh nghiệp cần làm đó chính là lựa chọn một nền tảng thương mại điện tử nhằm xây dựng một website kinh doanh. Để xác định đâu là giải pháp phù hợp, doanh nghiệp cần tùy vào việc xác định rõ quy mô, ngân sách và yêu cầu cần thiết trước khi bắt tay xây dựng một website thương mại điện tử riêng, cần xem xét những gì có thể làm với một nền tảng nhất định và cách các tính năng của nền tảng đó sẽ đáp ứng nhu cầu của mình. Trong đó, tổng sản lượng hàng hóa (GMV) là một tiêu chí quan trọng.

5.2. Thiết lập một nền tảng thương mại điện tử thích hợp

Khi lựa chọn một nền tảng thương mại điện tử cụ thể, điều đầu tiên doanh nghiệp cần làm việc với nhà cung cấp để triển khai, đảm bảo họ hiểu hoạt động kinh doanh trực tuyến và nắm bắt được các kịch bản kinh doanh, để đưa ra được một trang web có giao diện đẹp và khách hàng có thể làm mọi thứ trong cửa hàng trực tuyến như có thể làm trong cửa hàng truyền thống. Đối với một doanh nghiệp nhỏ nên xem xét liệu hành trình của khách hàng bây giờ có được thực hiện hay không, doanh thu lớn không phải là mục tiêu. Cái cần là tập trung nhiều hơn vào việc nhận thức và vận hành.

5.3. Khắc phục một số sai lầm thường mắc phải với các nền tảng thương mại điện tử

Phổ biến là chọn sai nền tảng, không tập trung vào việc tối ưu hóa công cụ tìm kiếm hoặc có chiến lược SEO kém và danh mục sản phẩm kém. Hoặc không thực hiện nghiên cứu và thường chọn sản phẩm rẻ nhất, nhanh nhất hơn là một nền tảng thực sự đáp ứng nhu cầu của mình.

Thiếu bảo mật chất lượng xung quanh trang web của người bán. Để tránh mắc sai lầm, các công ty cần đảm bảo rằng mình đang làm việc với một đối tác có thể chỉ dẫn họ đi đúng hướng và trả lời bất kỳ câu hỏi nào.

Hầu hết vẫn còn trăn trở không biết lĩnh vực nào thích hợp áp dụng E-commerce, có thể nói E-commerce phù hợp với hầu hết các lĩnh vực kinh doanh. Nhất là các sản phẩm liên quan đến ngành trí tuệ hoặc sản phẩm/dịch vụ số hóa. Điều quan trọng là lựa chọn mặt hàng phù hợp trong từng giai đoạn.

5.3. Giải pháp kỹ thuật

Dựa trên nghiên cứu của IMRG năm 2022, bài viết đề xuất để phát triển thương mại điện tử thành công, các doanh nghiệp vừa và nhỏ nên chú ý:

– Đầu tư giải pháp công nghệ có chọn lọc, khi thu mua công nghệ mới, doanh nghiệp cần xem xét chức năng cụ thể, đồng thời chú ý loại bỏ những giải pháp lỗi thời để tiết kiệm chi phí;

– Giảm bớt phụ thuộc vào bên thứ ba, khiến nền tảng thương mại điện tử kém ổn định, thiếu khả năng tùy chỉnh. Bằng cách tìm các giải pháp công nghệ mới hoàn thiện, đa nhiệm hơn. ;

– Biến mạng xã hội thành kênh bán hàng, tận dụng các nền tảng như TikTok, Facebook, Instagram… có hàng tỷ người dùng trên toàn cầu.

– Khai thác xu hướng ủng hộ các SMEs nội địa, mua sản phẩm từ các thương hiệu bền vững, bảo vệ môi trường. Đây là lợi thế cạnh tranh khi có thể linh hoạt thay đổi, đưa yếu tố bền vững, vì môi trường vào sản phẩm dễ dàng hơn những doanh nghiệp lớn với quy trình phức tạp hơn;

– Phát triển mua sắm trực quan, kết hợp miêu tả, giới thiệu sản phẩm với các hình thức sáng tạo nội dung khác, như tương tác qua livestream, video, thực tế ảo tăng cường (AR)…

– Cải tiến trải nghiệm mua sắm cá nhân hóa.

Kết luận

Nhìn chung, thương mại điện tử là xu thế bán hàng tất yếu không thể đảo ngược. Và hiện nay tất cả xu hướng thương mại điện tử trong nửa đầu năm 2022 đều nhằm mục đích nâng cao trải nghiệm người dùng. Vì vậy trước khi chọn áp dụng bất cứ xu hướng nào, các doanh nghiệp nên tiến hành phân tích chi tiết xem liệu mình có đủ sức theo đuổi hay không. Cách tốt nhất để xác định xem liệu xu hướng hoặc giải pháp đó có hiệu quả với doanh nghiệp mình hay không là hỏi thẳng khách hàng. Bởi mục tiêu cuối cùng của mỗi doanh nghiệp bán lẻ và thương mại điện tử đều là tối ưu hóa sự hài lòng của họ.

 

Tài liệu tham khảo

[1] Aita.gov.vn. (24/10/2014). Khái niệm đầy đủ của thương mại điện tử. Nguồn: https://aita.gov.vn/ebiz/khai-niem-day-du-cua-thuong-mai-dien-tu-p1. Truy cập 25/8/2022.

[2] baolamdong.vn. (12/5/2022). Cơ hội bùng nổ của thương mại điện tử Việt Nam năm 2022. Nguồn: http://baolamdong.vn/toasoan-bandoc/202205/co-hoi-bung-no-cua-thuong-mai-dien-tu-viet-nam-nam-2022-3115647/index.htm, Truy cập 25/8/2022.

[3] Boxme.asia. (8/3/2021). Lợi Thế Bán Hàng Thương Mại Điện Tử Ra Khu Vực Đông Nam Á Của Doanh Nghiệp Việt Nam 2021, Nguồn: https://blog.boxme.asia/vi/viet-nam-ban-hang-thuong-mai-dien-tu-dong-nam-a/, Truy cập 25/8/2022.

[4] CareerBuilder Vietnam. (2022). Tiềm năng và cơ hội làm việc cùng ngành Thương mại Điện tử. Nguồn: https://careerbuilder.vn/vi/talentcommunity/tiem-nang-va-co-hoi-lam-viec-cung-nganh-thuong-mai-dien-tu.35a51348.html. Truy cập 25/8/2022.

[5] Đỗ Phong. (8/10/2021). Vì sao hàng Việt “lép vế” đối thủ ngoại trên sàn thương mại điện tử? Nguồn: https://vneconomy.vn/vi-sao-hang-viet-lep-ve-doi-thu-ngoai-tren-san-thuong-mai-dien-tu.htm, Truy cập 25/8/2022.

[6] Hồng Quyên. (22/3/2022). Thương mại điện tử mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp. Nguồn: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/thuong-mai-dien-tu-mo-ra-nhieu-co-hoi-cho-doanh-nghiep-102229.html, Truy cập 25/8/2022.

[7] Hồng Vinh. (17/9/2021). Kinh tế số, thương mại điện tử là chìa khóa tăng trưởng trong bối cảnh bình thường mới. Nguồn: https://vneconomy.vn/kinh-te-so-thuong-mai-dien-tu-la-chia-khoa-tang-truong-trong-boi-canh-binh-thuong-moi.htm, Truy cập 25/8/2022.

[8] Magesnest. (13/5/2022). Thương mại điện tử trên thế giới: Thực trạng và xu hướng nổi bật. Nguồn: https://magenest.com/vi/thuong-mai-dien-tu-tren-the-gioi/#. Truy cập 25/8/2022.

[9] Mt-consovasukien. (9/9/2021). Cơ hội nào cho thương mại điện tử trong bối cảnh mới. Nguồn: https://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/co-hoi-nao-cho-thuong-mai-dien-tu-trong-boi-canh-moi-338611.html. Truy cập 25/8/2022.

[10] Vietnamexpress,net. (11/2/2022). Xu hướng thương mại điện tử nửa đầu 2022. Nguồn: https://vnexpress.net/xu-huong-thuong-mai-dien-tu-nua-dau-2022-4425753.html. Truy cập 25/8/2022.