Chọn kênh giao dịch hợp pháp để tránh bị lừa
Một nạn nhân lên mạng kêu cứu hỗ trợ vì bị lừa đảo

Hàng loạt app và dịch vụ tiện ích yêu cầu người dùng cập nhật thông tin cá nhân nên dữ liệu cá nhân của người dùng dễ bị đánh cắp

Thông tin từ Bộ Công an vừa công bố cho thấy dữ liệu cá nhân của hơn 2/3 dân số Việt Nam đang bị thu thập, chia sẻ trên mạng với nhiều hình thức và mức độ khác nhau.

Theo đó, người dùng chưa lường hết rủi ro và chưa có ý thức bảo vệ dữ liệu của mình, trong khi hàng loạt app, các dịch vụ tiện ích đều yêu cầu người dùng cập nhật thông tin cá nhân nên dữ liệu cá nhân của người dùng dễ bị đánh cắp.

Theo Bộ Công an, nhiều doanh nghiệp dịch vụ còn tự thu nhập dữ liệu cá nhân của khách hàng, sau đó cho bên thứ 3 tiếp cận và không quy định chặt chẽ.

Trong đó, có cả danh sách cán bộ, danh bạ nội bộ của các bộ, tập đoàn kinh tế, danh sách khách hàng điện lực, thông tin chủ thuê bao di động, khách hàng vay hoặc gửi tiết kiệm tại ngân hàng, họ tên, ngày sinh, địa chỉ, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng…

Theo ông Nguyễn Hưng, đại diện thành viên Dự án Chống Lừa Đảo (chongluadao), thời gian gần đây họ nhận được yêu cầu giúp đỡ của rất nhiều người vì bị ăn cắp thông tin cá nhân và bị mất tiền. Một người tên Minh bị kẻ xấu lấy số căn cước của anh để nói anh đã vay tiền.

Một bạn khác thì mất thông tin danh tính và hình ảnh cá nhân, sau đó bị kẻ xấu sử dụng để bôi nhọ danh dự. Đặc biệt, một số giao diện, tên miền gần giống website ngân hàng đã lừa người dùng.

Mới nhất là việc Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) lên tiếng khẳng định website của họ có tên miền duy nhất là www.hnx.vn và không tổ chức giao dịch chứng khoán trực tiếp với nhà đầu tư dưới bất kỳ hình thức nào, đồng thời cảnh báo gần đây có một số website giả mạo đã sử dụng trái phép logo, hình ảnh nhận diện thương hiệu và thông tin hoạt động của HNX, kêu gọi huy động tiền và đầu tư chứng khoán trực tiếp với HNX.

Theo HNX, Luật Chứng khoán quy định ngoài Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam và các công ty con, không tổ chức, cá nhân nào được phép tổ chức và vận hành thị trường giao dịch chứng khoán.

HNX đề nghị công chúng đầu tư cẩn trọng lựa chọn kênh giao dịch hợp pháp và uy tín để tránh bị lừa đảo và tổn thất trong hoạt động giao dịch chứng khoán.

Ông Hưng cũng cho biết trong khoảng 2 tuần trở lại đây, chongluadao đã vô hiệu hóa hoạt động của khoảng 20 tên miền giả mạo ngân hàng. Thế nhưng, những tên miền khác liên tục ra đời thay tên miền cũ nên rất khó để vô hiệu hóa triệt để.

Có những webiste giả mạo dựng lên nhằm dụ dỗ người dùng để lấy thông tin cá nhân. Khi truy cập vào thì dễ bị đánh cắp dữ liệu để chiếm đoạt tiền…

Để phân biệt, người dùng có thể nhận biết các đường link độc hại này bằng cách chú ý thật kỹ phần tên miền. Trong trường hợp lỡ truy cập và đăng nhập thông tin lên website giả mạo này thì người dùng cần ngay lập tức khóa tài khoản bằng cách gọi lên hệ thống chăm sóc khách hàng hoặc tự khóa thông qua app.

Sau đó đổi mật khẩu và đăng ký bảo mật 2 lớp hay đề nghị thay thế tài khoản hay thẻ khác.

Khi gặp một số trang web độc hại, giả mạo, lừa đảo, tin nhắn rác và các vấn đề có liên quan thì mọi người báo cáo tại các website sau để hỗ trợ xử lý:

canhbao.ncsc.gov.vn, chongluadao.vn, chongthurac.vn, tingia.gov.vn; hoặc trao đổi trực tiếp với những thành viên của chongluadao thông qua Messenger để kiểm tra một trang web là độc hại hay an toàn. Đặc biệt, mọi người cần bảo vệ thông tin cá nhân trên các giấy tờ định danh như CCCD/CMND như sau:

Không đăng tải các giấy tờ cá nhân, tài sản lên mạng xã hội. Nếu cần chia sẻ thông tin danh tính cá nhân với ai đó bằng bất cứ ứng dụng nào như Zalo, Viber, Messenger… cần thu hồi sau khi nhắn để bảo đảm.

Sớm nâng cấp lên CCCD gắn chip. Tạo email, trang bị số điện thoại riêng để đăng ký các dịch vụ yêu cầu nhập thông tin cá nhân. Tránh mua sim số ảo, số đã qua sử dụng vì có thể những số này đã đăng ký những dịch vụ vay tiền qua online không rõ ràng.

Không cung cấp CMND/CCCD cho những dịch vụ không thiết yếu. Không cho người khác mượn CMND/CCCD nếu không có mục đích chính xác.

Theo NLĐ