Làm ăn với Mỹ: Chuẩn bị kỹ, mời chào cụ thể

Chính phủ cần cải thiện môi trường kinh doanh, hạ tầng giao thông, thủ tục hành chính

Tại buổi làm việc với Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc ngày 2-6 (giờ Washington D.C.), ông Adam Boehler, Giám đốc điều hành Cơ quan Phát triển tài chính quốc tế Mỹ (DFC), nhấn mạnh sự hợp tác hiệu quả giữa Việt Nam và Mỹ trong sản xuất và cung cấp các trang thiết bị y tế, bảo hộ để chống dịch Covid-19.

Giám đốc điều hành DFC cho biết DFC đang triển khai một loạt kế hoạch nhằm hỗ trợ những dự án đầu tư tại các nước đang phát triển, trong đó có khu vực tiểu vùng Mê Kông với các dự án sản xuất các sản phẩm chiến lược trong chuỗi cung ứng của Mỹ. Trong định hướng đó, DFC luôn coi trọng và xác định Việt Nam là một đối tác ưu tiên trong các dự án hợp tác của Mỹ.

Cơ hội đón nhận sự chuyển dịch

Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh cho rằng nỗ lực chuyển dịch chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc của Mỹ và nhiều nước đã có từ trước và đại dịch Covid-19 càng làm cho việc chuyển dịch này trở nên cấp thiết. Việc này Mỹ cũng trao đổi với các nước và Việt Nam đang ở trong vị trí có thể tận dụng được cơ hội này.

Tuy nhiên, sự dịch chuyển chuỗi cung ứng mang tính nhiều chiều, sẽ có cả các dịch chuyển sản xuất và dòng vốn chất lượng cao và chất lượng thấp. Do đó, phải căn cứ vào lợi ích quốc gia, phải lựa chọn cái chất lượng cao và bền vững, tránh quá phụ thuộc vào một hai nơi. Việt Nam ở vị trí thuận lợi thì lúc này là cơ hội, nhất là đón sự chuyển dịch của Mỹ, Âu, Nhật…

Nhưng đón được hay không sẽ là thách thức lớn. Các doanh nghiệp (DN) đã tính đến sự chuyển dịch một phần sang Việt Nam một cách tự nhiên vì sức hấp dẫn của thị trường. Họ cũng tính toán để đa dạng hóa chuỗi cung ứng, tránh rủi ro khi đầu tư hết vào Trung Quốc. Và khi có những can thiệp chính trị buộc DN rời khỏi Trung Quốc, họ sẽ lựa chọn những địa điểm lân cận nước này, có môi trường đầu tư thuận lợi để giảm tối đa chi phí. Việt Nam có thể “hứng” được cả hai xu hướng dịch chuyển.

Dù vậy, theo nguyên Đại sứ Phạm Quang Vinh, không quốc gia nào có thể hấp thụ toàn bộ sự dịch chuyển từ thị trường 1,4 tỉ dân có quy mô kinh tế lớn thứ 2 thế giới, chiếm 20% thương mại toàn cầu. Vì vậy, phải chủ động đón, nhất là về hạ tầng, chính sách, nhân lực. Thuận và có lợi thì các công ty họ mới đến. “Thực tế, không chỉ Việt Nam có sức hấp dẫn. Còn nhiều “Việt Nam khác” cùng cạnh tranh. Để đón sự chuyển dịch từ Mỹ, Âu, Nhật… phải chuẩn bị, mời chào cụ thể”.

Mặt khác, cũng theo ông Vinh, Việt Nam không chỉ muốn cung ứng sản phẩm, nguyên liệu mà phải trở thành một mắt xích có vị trí cao hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây sẽ là căn cứ để xác định rõ nguồn vốn nào, công nghệ, sản xuất hay đoạn cung ứng nào nên tham gia.

Tại sự kiện ra mắt báo cáo “Việt Nam năng động – tạo nền tảng cho nền kinh tế thu nhập cao” của Ngân hàng Thế giới (WB) tuần qua, trả lời câu hỏi của báo chí về thực trạng gia tăng dịch chuyển dòng vốn FDI, ông Jacques Morisset – chuyên gia kinh tế trưởng của WB – nhận xét Việt Nam hoàn toàn có thể cân bằng giữa nền kinh tế mở với việc tập trung vào thị trường trong nước. Cú sốc do dịch Covid-19 gây ra khiến cho những DN toàn cầu nhận ra họ phải đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Việt Nam đã thu hút hiệu quả nhiều công ty đa quốc gia trong những năm qua; các thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) diễn ra sôi động chứng tỏ nhà đầu tư nước ngoài đang nhắm tới thị trường nội địa của Việt Nam. “Tôi tin làn sóng các công ty đa quốc gia đổ vốn vào Việt Nam sẽ còn tăng trong nhiều năm tới” – ông Jacques nhìn nhận.

Theo NLĐ

Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su/lam-an-voi-my-chuan-bi-ky-moi-chao-cu-the-20200604213911338.htm