Dệt may hưởng lợi với các hiệp định thương mại tự do

Nguyên Hoàng

Theo đại diện Bộ Công Thương, để tận dụng cơ hội mà EVFTA mang lại, trước hết phải hiểu, biết được hiệp định. Tạp chí Thương gia và Thị trường xin giới thiệu một số thông tin về các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã và đang tham gia do Bộ Công Thương cung cấp theo hình thức hỏi đáp

+ Những nét chính về cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu của EU trong hiệp định EVFTA và đánh giá mức độ cam kết của EU so với các nước tham gia Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)?

-Với Hiệp định EVFTA: Ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực, EU cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU.

Sau 07 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Đối với một số ít mặt hàng còn lại (tương đương khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu), EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan (TRQ) với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.

Như vậy, có thể nói gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn (07 năm).

Bộ Công Thương vừa tổ chức Hội nghị tập huấn về Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) dành cho các nhà báo, phóng viên với mong muốn các thông điệp về EVFTA sẽ đến được với người dân, doanh nghiệp một cách nhanh chóng và chuẩn xác.

Với Hiệp định CPTPP: Các nước CPTPP cam kết xóa bỏ hoàn toàn từ 97% đến 100% số dòng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam, tùy theo cam kết của từng nước và tùy theo lộ trình, tối đa là 17 năm (với Pê-ru).

+ So sánh mức độ cam kết của Việt Nam về xóa bỏ thuế quan trong Hiệp định EVFTA và Hiệp định CPTPP

Với Hiệp định EVFTA: Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế (chiếm 64,5% kim ngạch nhập khẩu).

Tiếp đó, sau 7 năm, 91,8% số dòng thuế tương đương 97,1% kim ngạch xuất khẩu từ EU được Việt Nam xóa bỏ thuế nhập khẩu. Sau 10 năm, mức xóa bỏ thuế quan là khoảng 98,3% số dòng thuế (chiếm 99,8% kim ngạch nhập khẩu).

Đối với khoảng 1,7% số dòng thuế còn lại của EU, ta áp dụng lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu dài hơn 10 năm hoặc áp dụng TRQ theo cam kết WTO hoặc không cam kết.

Với Hiệp định CPTPP: Ta cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 66% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực và 86,5% số dòng thuế sau 3 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.

Các mặt hàng còn lại có lộ trình giảm thuế chủ yếu từ 5 đến 10 năm. Đối với một số mặt hàng đặc biệt nhạy cảm, ta yêu cầu lộ trình trên 10 năm hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan (TRQ).

Như vậy, có thể thấy đối với cả hai Hiệp định, ta đều có lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu trong khoảng 10 năm với khoảng 99% số dòng thuế của các nước đối tác.

Đối với những mặt hàng nhạy cảm, ta đều bảo lưu được một khoảng thời gian (lộ trình xóa bỏ thuế) tương đối dài (hơn 10 năm) hoặc áp dụng TRQ hoặc không cam kết.

+ Một trong những mặt hàng được kỳ vọng sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã và đang tham gia là dệt may. Vậy các quy định của Hiệp định EVFTA về quy tắc xuất xứ đối với mặt hàng này thế nào?

– Hiệp định EVFTA yêu cầu quy tắc xuất xứ “hai công đoạn” (từ vải trở đi) đối với hàng dệt may, tức là để được hưởng thuế quan ưu đãi theo EVFTA thì hàng dệt may của Việt Nam phải được làm từ vải có xuất xứ Việt Nam.

Ngoài ra, đối với các sản phẩm dệt may thuộc Chương 61 và 62 của biểu thuế, EU cũng cho phép ta được sử dụng vải nhập khẩu từ Hàn Quốc để sản xuất ra sản phẩm cuối cùng xuất khẩu sang EU và vẫn được hưởng thuế suất ưu đãi của EVFTA.

Trong khi đó, quy định của CPTPP tương đối chặt hơn bởi Hiệp định này yêu cầu hàng dệt may phải có xuất xứ “từ sợi trở đi”, tức là sợi và vải phải được sản xuất và/hoặc nhập khẩu từ các nước CPTPP, thì mới được hưởng thuế suất ưu đãi của Hiệp định khi xuất khẩu sang các nước CPTPP.