Câu chuyện gạo đen Ô Mễ Cốc

Trần Thiệt

Hạt gạo đen sau khi thu hoạch

Nỗ lực, cần mẫn hơn một thập kỷ, những người nông dân thuộc Hợp tác xã (HTX) 770 Trường Sơn ở thôn Quý Phước 1, xã Bình Quý, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam đã gặt hái được thành quả khi cho ra đời loại gạo đen đặc sản sản xuất theo quy trình hữu cơ. Đây là loại gạo quý giàu chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe.

“Lửa thử vàng”

Chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Trường Sơn (57 tuổi) – Giám đốc HTX 770 Trường Sơn đúng hôm doanh nghiệp đang đến thu gom lúa đen.

Tiếp chúng tôi sau khi nhận số tiền thanh toán 10 tấn lúa từ người thu mua, ông Sơn chia sẻ với nụ cười vui vẻ đúng với người nông dân được mùa:“Sắp vào mùa vụ mới nên bên thu gom đến gom lúa, chúng tôi giờ làm lúa đen ni là yên tâm lắm. Làm theo quy trình hữu cơ nên sức khỏe cũng không bị ảnh hưởng vì không phải tiếp xúc với thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) hay phân hóa học và thu nhập cũng ổn định hơn so với sản xuất lúa truyền thống”.

Ông bà ta có câu:“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, quả thật không sai với những người nông dân của vùng đất này. Để có được thành quả như ngày hôm nay, họ đã trải qua nhiều năm vất vả, khó khăn, thử thách cả về sức người và lòng kiên nhẫn quyết tâm.

Một ngày năm 2007, trong lúc ngồi nghỉ ngơi sau giờ làm đồng, ông Sơn trò chuyện với người bạn cùng làm đồng thì nghe kể về việc có công ty về quê ông tìm hộ dân trồng lúa đen hữu cơ do thổ nhưỡng ở đây thích hợp để phát triển giống lúa này.

Tò mò vì từ trước tới nay ở quê ông chỉ trồng lúa theo phương pháp truyền thống giờ nghe trồng lúa hữu cơ không dùng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, ông Sơn thấy thích thú và muốn thử.

So với lúa thường, lúa hữu cơ cho lãi gần như gấp đôi. Điều quý giá nhất là sức khỏe của bà con không bị ảnh hưởng bởi thuốc hóa học và môi trường đồng ruộng trong lành hơn.

Từ khi cha sinh mẹ đẻ tới khi lớn chỉ biết ăn gạo trắng, nghe ông bạn nói về loại gạo đen vừa ngon vừa bổ dưỡng nên tôi cũng muốn trồng thử nghiệm trên cánh đồng nhà mình”Ông Sơn kể.

Nói là làm, ông Sơn cùng với sáu hộ dân nữa bắt tay vào học cách sản xuất gạo đen. Thế là những tháng sau đó trên cánh đồng Bình Qúy, những diện tích lúa đầu tiên “nói không với thuốc, phân hóa học” ươm mầm.

Nhưng không giống như những gì họ nghĩ, sản xuất lúa đen theo quy trình hữu cơ khác xa so với làm lúa truyền thống.

Mặc dù được kỹ sư và chuyên gia nông nghiệp của công ty hướng dẫn từ kỹ thuật trồng lúa, cung cấp giống và phân, thuốc sinh học trong suốt thời gian của mùa vụ nhưng làm lúa đen phải theo một quy trình nghiêm ngặt khiến người nông dân lúc đầu cảm thấy khó khăn vì chưa quen với cách làm mới.

“Vụ đầu tiên cực trăm bề, tôi đùa với mấy người bạn làm cùng là làm lúa ni giống như kiểu chăm con nhỏ quá. Vì cày ải phải tốn công nhiều hơn để đất tơi xốp. Quan trọng nhất là ruộng chỉ được phép phun thuốc sinh học, bón phân hữu cơ vi sinh, dùng các chế phẩm sinh học trừ sâu bệnh. Trồng cây lúa lên một thì cỏ lên mười. Cả ngày phải đi mò cỏ, canh chừng cây lúa từng ngày vì sợ bệnh.” – Ông Sơn nhớ lại.

“Nhưng đã quyết tâm làm thì không lẽ bỏ giữa chừng, cực mấy chúng tôi cũng động viên nhau cố gắng làm cho bằng được. Nông dân chúng tôi chịu khổ quen rồi, dải nắng dầm sương có là gì. Coi như mình đang trải nghiệm một kiểu canh tác mới, biết đâu lại giúp dân mình thoát nghèo từ sản xuất nông sản sạch.”  – Ông Sơn tâm sự thêm.

Nhớ về vụ mùa đầu tiên, ông Sơn kể cho chúng tôi nghe câu chuyện vui ngày bắt đầu lúa chín: “Hôm lúa đen bắt đầu chín, thấy mấy sào ruộng của nhà tôi hạt lúa đen khác thường, thằng cháu đi thăm đồng về liền ghé vô nhà tôi, giọng hớt hải thông báo lúa chú bị bệnh chi mà hạt lúa đen thui vậy chú.”

“Chú coi thăm lúa gấp đi nha. Tôi cười khà khà, nói đang thử nghiệm lúa mới đó con. Nó gật đầu mà như chưa hiểu lắm giống lúa chi lạ quá.”

Đó là những câu chuyện kỷ niệm thời tiên phong trồng lúa đen mà những người nông dân vùng đất Bình Quý này không bao giờ quên được.

Giờ đây, đã hơn mười năm gắn bó với lúa hữu cơ, họ đã làm một cách thuần thục, hiểu được cây lúa như chuyên gia nông nghiệp sạch. Phân, thuốc hữu cơ, trị bệnh, diệt cỏ,… họ đều nắm rõ.

Hạt gạo làng ta vươn xa

HTX nông nghiệp hữu cơ Bình Qúy được thành lập vào tháng 10/2017 là minh chứng cho sự kiên định theo đuổi giấc mơ làm nông sản sạch của những người nông dân tâm huyết ở Bình Qúy.

Sau một năm HTX ra đời với mong muốn đưa hạt gạo đen vươn xa, HTX nông nghiệp hữu cơ Bình Qúy đổi tên thành HTX 770 Trường Sơn. Giờ đây, trên cánh đồng lúa Bình Qúy, mỗi vụ HTX sản xuất 5 hecta lúa đen với năng suất gần 15 tấn lúa.

Ngoài ra, HTX còn phát triển thêm các loại gạo trắng hữu cơ với 5 hecta. Trừ đi chi phí, mỗi năm mỗi hộ thu lãi từ 30 – 40 triệu đồng.

So với lúa thường, lúa hữu cơ cho lãi gần như gấp đôi. Điều quý giá nhất là sức khỏe của bà con không bị ảnh hưởng bởi thuốc hóa học và môi trường đồng ruộng trong lành hơn.

Hiện có nhiều nông dân tại địa phương muốn xin vào HTX nhưng theo ông Sơn vẫn còn ái ngại nhiều vấn đề, ông cho biết:“Thấy nhiều người xin vào HTX tôi thấy vui lắm chứ, nhưng cái khó nhất là khâu kiểm soát, lỡ họ làm ăn gian dối thì sẽ làm mất uy tín và thương hiệu gạo hữu cơ gầy dựng hơn mười năm qua. Chúng tôi đang cố gắng quản lý chặt chẽ quy trình trồng lúa, sau này ổn định rồi mới tính chuyện mở rộng thêm diện tích và nhận thêm thành viên.”

Hiện sản phẩm gạo đen hữu cơ của HTX 770 Trường Sơn được đặt tên thương hiệu là gạo đen Ô Mễ Cốc – Quảng Nam.

Khi xuất ra thị trường được đóng gói cẩn thận, có tem truy xuất nguồn gốc, sản phẩm được Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản kiểm nghiệm tiêu chuẩn, chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Ngoài ra, để người tiêu dùng có đủ cơ sở tin cậy, sản phẩm gạo đen của HTX 770 Trường Sơn đã được gửi tới Công ty TNHH Eurofins Sắc Ký Hải Đăng tại Tp. Hồ Chí Minh (là đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực kiểm nghiệm thực phẩm, giám định sản phẩm và quan trắc môi trường) để kiểm nghiệm, đánh giá về mức độ chất dinh dưỡng có trong hạt gạo đen.

Qua kiểm nghiệm đánh giá, trong hạt gạo đen có các chất: Vitamin B1, vitamin B2, vitamin B6, Omega 3, Omega 9, Can xi, Magie. Đây là các chất giàu dinh dưỡng tốt cho sức khỏe. Đặc biệt, phải kể đến hoạt chất Anthocyanin > 400mg/kg gạo đen.

Chất Anthocyanin có tác dụng chống viêm, chống oxy hóa và chống ung thư mạnh mẽ, do đó khi ăn nhiều gạo đen cũng giúp cơ thể ngăn ngừa một số bệnh mãn tính như tim, béo phì và một số dạng ung thư.

Đây là một loại gạo quý, thế nhưng có một điều băn khoăn là sản phẩm gạo đen có chi phí sản xuất cao nên khi đưa gạo đen ra thị trường có giá cao hơn so với các loại gạo thường. Do đó, lượng người sử dụng sản phẩm còn ít nên đầu ra cho sản phẩm còn là một bài toán khó với HTX.

Hiện tại, ngoài sản phẩm gạo đen, HTX còn có thêm sản phẩm bún khô gạo đen, các mặt hàng này được bán chủ yếu tại các thành phố lớn như Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh. Sản phẩm cũng được chào bán trên trang fanpage HTX 770 Trường Sơn để tiếp cận với nhiều khách hàng hơn.

“Tới đây, chúng tôi đang nghiên cứu để sản xuất thêm nhiều sản phẩm từ gạo đen đưa ra thị trường như: ngũ cốc từ gạo đen kết hợp với các loại hạt đậu, gạo đen sấy rong biển,… ”

“Khi sản xuất gạo đen thì tâm nguyện của HTX là càng nhiều người dân được tiếp cận và thưởng thức nông sản sạch càng tốt. Chúng tôi mong muốn sau này khi nhắc tới vùng đất Bình Qúy, Thăng Bình, Quảng Nam thì người ta sẽ nghĩ ngay đến gạo đen hữu cơ đặc sản giống như nhắc đến Quảng Nam là nhớ tới Phố cổ Hội An hay Thánh địa Mỹ Sơn”. Ông Nguyễn Trường Sơn chia sẻ mong ước của HTX 770 Trường Sơn với chúng tôi trước khi chúng tôi chia tay ra về.