Rút ngắn khâu trung gian, mãi không xong
Ảnh Internet

Ông Phạm Tất Thắng – nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Chiến lược và chính sách thương mại và công nghiệp (Bộ Công thương) – cho rằng để nông sản đứng vững được trước những biến động bất ngờ, cần phải “đi cả hai chân”.

Đó là xuất khẩu và khẳng định vị thế tại thị trường nội địa.

* Ông nhìn nhận thế nào về việc các nhà bán lẻ nói không có hàng để “giải cứu”, thưa ông?

– Theo tôi, đây là điều không thể chấp nhận được bởi hàng hóa muốn đưa được vào siêu thị thì nguồn cung cấp phải ổn định về số lượng, chất lượng và thời gian giao hàng. Nông dân khi gặp thua thiệt thì kêu gọi “giải cứu” vì không chủ động được đầu ra, không có khả năng kết nối trực tiếp với hệ thống siêu thị dẫn tới hệ thống trung gian, thương lái điều khiển thị trường cả về giá cả, nguồn hàng, nên đôi khi thị trường có biến động, khâu trung gian dùng mánh khóe để thu lời.

Điều này phản ánh thực tại là chuỗi cung ứng hàng nông sản Việt Nam từ sản xuất, phân phối, tiêu thụ và đến tay người tiêu dùng chưa được xây dựng hợp lý, bài bản và chưa tạo được niềm tin với nhau.

* Theo ông, nguyên nhân nào khiến cho “cung cầu lệch pha” và không thể tìm được tiếng nói chung trên thị trường?

– Việc tìm được tiếng nói chung đòi hỏi vai trò rất lớn của cơ quan kết nối cung cầu thị trường. Chúng ta đã nỗ lực trong tái cơ cấu sản xuất cây trồng, sản phẩm cho phù hợp với từng thị trường, nỗ lực kết nối cung cầu để người sản xuất, người bán lẻ gặp nhau nhằm giảm chi phí trung gian nhưng mọi cố gắng vẫn chưa đủ.

Cũng cần phải thấy rằng chuỗi phân phối sản phẩm hiện nay còn quá nhiều tầng nấc trung gian, với nhiều bất ổn. Các nhà bán hàng siêu thị cần sản phẩm hàng hóa chất lượng, ổn định, nhưng họ cũng cần chủ động và cởi mở hơn với nhà sản xuất. Họ có thể đưa ra yêu cầu, thông điệp, đưa ra tín hiệu thị trường cần sản phẩm gì, nhu cầu ra sao, để người sản xuất căn cứ vào đó đáp ứng nhu cầu.

* Ông nghĩ gì về vai trò của thương lái trong chuỗi cung ứng phân phối hàng hóa nông sản hiện nay?

– Trong chuỗi tiêu thụ nông sản, vai trò của thương lái là cần thiết. Nhưng quan niệm về thương lái cần phải thay đổi và hình thành nên một lực lượng thương lái phát huy vai trò tích cực để thị trường lành mạnh hơn. Bởi ngành nông nghiệp Việt Nam có đặc thù là manh mún, nhỏ lẻ nên cần có thương lái vào cuộc để thu gom, làm đầu mối kết nối với nhà phân phối, bán lẻ. Còn khi ta đã xây dựng được nền sản xuất lớn, có kim ngạch sản lượng cao, chất lượng ổn định thì siêu thị chỉ cần thu gom với nhà sản xuất lớn thôi.

“Đội ngũ thương lái” cần phải được địa phương, cơ quan quản lý về thương mại đào tạo, có kiến thức và kinh nghiệm thị trường, làm việc có trách nhiệm trên cơ sở các hợp đồng pháp lý rõ ràng, đảm bảo yếu tố cung cầu theo đúng quy luật thị trường chứ không phải là tung tin đồn hay dẫn dắt thị trường vì lợi ích riêng.

* Trước những khó khăn của thị trường Trung Quốc, chúng ta đang nỗ lực tìm kiếm thị trường mới. Nhưng theo ông để giải quyết căn cơ bài toán giải cứu nông sản, cần có giải pháp nào?

– Nhiều đợt giải cứu nông sản cho thấy đây chỉ là hành động mang tính tức thời, chữa cháy, không phải là giải pháp lâu dài. Cần phải tạo nên được chuỗi cung ứng trên thị trường nội địa về sản phẩm nông nghiệp Việt Nam, đặc biệt là xây dựng chuỗi từ đồng ruộng tới bàn ăn, từ trang trại tới bàn ăn.

Quan trọng là sự vào cuộc thực sự của cơ quan quản lý, các nhà kinh doanh làm ăn bài bản và chất lượng. Ngoài chuyện nâng cao chất lượng theo các tiêu chuẩn chất lượng cao như VietGAP, GlobalGAP… thì cần phải đẩy mạnh hơn việc ứng dụng sản xuất nông nghiệp sạch vào tất cả lĩnh vực nông nghiệp.

Ngoài ra cần có chính sách, cơ chế thúc đẩy mô hình, cách làm hay, xây dựng được chuỗi cung ứng từ sản xuất tới tiêu thụ cuối cùng làm sao hiệu quả nhất, rút ngắn được khâu trung gian.

Theo Tuổi Trẻ

Nguồn: https://tuoitre.vn/rut-ngan-khau-trung-gian-mai-khong-xong-20200216082310789.htm