Chuyển đổi số – Không thể lơ là
Công nghệ mua sắm thông minh sắp được Saigon Co.op đưa vào vận hành thực tế.

Chuyển đổi số được hiểu là số hóa toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp giúp sản xuất sản phẩm với chất lượng tốt, giá thành thấp và cạnh tranh tốt nhất; doanh nghiệp nào không thực hiện tốt đồng nghĩa với việc tự loại mình ra khỏi quỹ đạo chung

Ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng (NH) TMCP Liên Việt (LienVietPostBank) kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) Phần mềm Việt Nam, cho rằng chuyển đổi số sẽ là xu hướng tất yếu của các DN.

Công bằng với mọi doanh nghiệp

Kỷ nguyên số là sự thay đổi từ cái cũ chuyển toàn diện sang phương thức mới, từ nhận thức đến xây dựng chiến lược, sản xuất, kinh doanh, phân phối… Chuyển đổi số tạo ra cơ hội đến mức mọi người thấy các quốc gia đang chạy đua đi vào kỷ nguyên số, DN không nằm ngoài cuộc đua này.

“Chuyển đổi số công bằng ở chỗ đưa mọi người vào cùng một vạch xuất phát. Ai nhận thức tốt hơn, chạy nhanh hơn sẽ đến đích và thành công” – ông Nguyễn Đình Thắng nói.

Theo ông Thắng, LienVietPostBank đã triển khai chuyển đổi số toàn diện các hoạt động NH từ khâu xây dựng kế hoạch, quản trị điều hành, tạo ra dịch vụ số cung cấp đến người dùng… Đồng thời, đã triển khai Ví Việt với trên 3 triệu người dùng và 500.000 điểm chấp nhận thanh toán.

Sắp tới, NH sẽ ra mắt sản phẩm tích hợp tất cả dịch vụ của NH từ ví điện tử, NH số, dịch vụ khách hàng nằm gọn trong một ứng dụng, triển khai cho vay tiêu dùng online để hạn chế tín dụng đen.

“Khi NH đi tiên phong về chuyển đổi số sẽ lập tức tác động đến thị trường… thúc đẩy các lĩnh vực khác phát triển” – ông Nguyễn Đình Thắng nhận xét.

Lãnh đạo Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát cho biết khi triển khai dự án Khu Liên hợp Gang thép Hòa Phát Dung Quất, DN này đã đầu tư trên 100 tỉ đồng để xây dựng khu phân tích tự động chất lượng gang thép và khu thử nghiệm cơ lý sản phẩm với nhiều công đoạn do robot thực hiện.

Theo ông Nguyễn Viết Tuấn, Phó Phòng Quản lý chất lượng, Công ty Thép Hòa Phát Dung Quất, khu phân tích tự động này có trang bị hệ thống lấy mẫu hiện đại nhất thế giới hiện nay.

“Các nhà máy dù cách xa khu phân tích từ 1,5-1,7 km nhưng hệ thống chỉ mất từ 30-70 giây để chuyển mẫu về tới khu phân tích tự động. Thời gian tối đa để hệ thống trả kết quả đối với mẫu thép là 2,5 phút, mẫu gang là 5 phút và mẫu xỉ 7-10 phút” – ông Tuấn thông tin.

Cũng theo ông Nguyễn Viết Tuấn, công nghệ hiện đại hỗ trợ rất nhiều cho quá trình sản xuất, mang lại hiệu quả lớn hơn trước đây cho những khâu cần chính xác, giúp giữ được chất lượng thép ổn định để đưa ra thị trường.

Trong khi đó, Tổng Công ty CP Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (HABECO) vừa bắt tay với Công ty Hệ thống thông tin FPT (FPT IS) khởi động dự án “Triển khai giải pháp quản trị DN tổng thể SAP ERP” tại HABECO.

Cụ thể, FPT IS sẽ triển khai hệ thống SAP S/4HANA cho HABECO trong 9 tháng với tổng kinh phí đầu tư dự kiến gần 16 tỉ đồng, bao gồm kế toán tài chính, kế toán quản trị, quản lý mua hàng, quản lý kho, báo cáo tài chính hợp nhất, tích hợp…

Trong đó, có những nghiệp vụ được triển khai theo đặc thù thực tế của HABECO như tính giá thành, quản lý bán hàng và đơn hàng nhà phân phối, quản lý két chai vỏ.

Dự án khi đi vào hoạt động sẽ giúp HABECO chuẩn hóa và tự động hóa quy trình quản lý và quy trình hoạt động sản xuất kinh doanh, kiểm soát số liệu tất cả các khâu trên hệ thống một cách chính xác, giảm thiểu chi phí, tăng năng suất lao động.

Ông Trần Đình Thanh, Chủ tịch HĐQT HABECO, cho biết dự án được triển khai trong bối cảnh tổng công ty đang đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ ngoại giàu tiềm lực.

Từ đó, đòi hỏi phải có sự tái cơ cấu từ nội bộ tới các hoạt động của HABECO ra bên ngoài, góp phần nâng cao sức mạnh và vị thế của DN trên thị trường.

“Đây được đánh giá là một trong những dự án công nghệ thông tin quan trọng, đánh dấu bước chuyển biến mới trong công tác quản trị và vận hành của HABECO, giúp DN có được một nền tảng và hệ thống quản trị vững chắc, nâng cao năng lực cạnh tranh trong cuộc cách mạng số đang diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam” – đại diện HABECO cho hay.

Tại Vietnam Airlines, ông Dương Trí Thành, tổng giám đốc, cho biết hãng đặt mục tiêu chuyển đổi số trong vài năm tới từ khai thác máy bay, động cơ đến việc hành khách tự làm thủ tục… Còn nếu hiểu chuyển đổi số gồm dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI)… hãng đã có sẵn, chỉ cần học.

Khó nhất là mỗi người tự tuân thủ, chuẩn bị từ nền tảng cơ bản nhất khi hãng thay đổi cách tổ chức, quy trình tạo ra văn hóa mới… nếu con người không thay đổi sẽ rất khó.

“Vietnam Airlines đã đặt mục tiêu đến năm 2020-2021 trở thành hãng hàng không số và hiện chúng tôi đang tích cực triển khai. Đơn cử một máy bay có khoảng 1.600 phần mềm và sau mỗi chuyến bay, nếu khai thác tốt các dữ liệu về máy bay sẽ giúp giảm chi phí, giảm hỏng hóc” – ông Dương Trí Thành nói.

Tháng 9 này, Vietnam Arlines sẽ đưa phần mềm quản trị vào hệ thống đặt chỗ sẽ đặt thêm suất ăn. Khi đó, các đơn vị cung cấp đồ ăn trên máy bay sẽ nhận được đặt hàng, tiếp viên phải biết khách ngồi ở ghế nào, đặt món ăn gì để phục vụ cho chính xác.

Khách hàng tìm hiểu hệ thống camera tích hợp trong khóa vân tay PHGlock tại Diễn đàn Kinh doanh tiến vào kỷ nguyên số của Forbes mới đây.

Cần quyết tâm và sự kiên trì của lãnh đạo

Ông Nguyễn Đức Thuấn, sáng lập kiêm Chủ tịch TBS Group, cho rằng ứng dụng công nghệ vào hệ thống, quản trị trên nền tảng tích hợp, dùng khoa học công nghệ tích hợp lại… là yêu cầu bắt buộc với các DN trong quá trình chuyển đổi số để nâng cao năng suất lao động.

Dù ngành hàng, sản phẩm nào cũng đều có nguyên lý giống nhau và phải tuân theo yêu cầu chung là nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh để có giá thành thấp, giá bán phù hợp.

“Cơ hội hiện hữu thiên thời, địa lợi, nhân hòa đã đến. Điện toán đám mây có thể đi thuê, các công cụ nền tảng khác có thể mua được… nhưng quan trọng nhất là DN phải xây dựng cho mình Big Data. Ngoài ra còn phải xây dựng các trung tâm nghiên cứu, thiết kế, phát triển hệ thống…” – ông Nguyễn Đức Thuấn nói.

Dù vậy, trong quá trình triển khai tiến vào kỷ nguyên số, không phải DN nào cũng thành công và thuận lợi.

Chia sẻ câu chuyện của DN mình, ông Lê Trí Thông, Tổng Giám đốc Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), kể gần đây, nhân sự tại PNJ nghỉ việc gia tăng, nhiều nhân sự mới vào rất bất ngờ với khối lượng công việc của công ty. Khi đó, PNJ mới nghiệm ra rằng để quá trình chuyển đổi thành công cần sự đồng hành của đội ngũ nhân viên bởi áp dụng đúng công nghệ, DN chịu đầu tư mà nhân viên chưa sẵn sàng thì rất khó.

“PNJ của mô hình cũ đang phát triển rất tốt và tăng trưởng khả quan nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm thay đổi để tiến những bước xa hơn. Nhân viên thấy việc phải làm quá nhiều rồi xin nghỉ, gây áp lực lên ban lãnh đạo. Bên ngoài, nhà đầu tư cũng phản ánh và tác động vào giá cổ phiếu khiến chúng tôi cũng băn khoăn con đường chuyển đổi số DN đang đi có đúng không? Thế mới biết để thực hiện quá trình chuyển đổi số cần quyết tâm và sự kiên trì của ban lãnh đạo DN” – ông Lê Trí Thông đúc kết.

Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM (HUBA), cho rằng chuyển đổi số là yêu cầu bắt buộc, từ đây đến năm 2025 mà DN nào không cập nhật, thực hiện tốt thì đồng nghĩa với việc tự loại mình ra khỏi quỹ đạo chung. Chuyển đổi số sẽ giúp DN hoạt động hiệu quả hơn.

“Thời gian qua có nhiều DN quan tâm chuyển đổi số nhưng mỗi DN có cách làm khác nhau và chiến lược riêng khi thực hiện” – ông Chu Tiến Dũng cho biết.

Cũng khẳng định số hóa là nền tảng, là bước đi đầu tiên để ứng dụng công cụ hiện đại như trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây… chuyển đổi và đưa thông tin đến thị trường, khách hàng, người tiêu dùng dễ dàng hơn, ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc điều hành Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ TP HCM – Sihub (thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM), cho biết trong chừng mực nào đó, các công ty đã số hóa một phần hoặc toàn bộ các hoạt động như văn phòng, tài chính kế toán… Số hóa không quá tốn kém như mọi người nghĩ, đó là một phần quan trọng trong tái cấu trúc DN.

Câu chuyện nằm ở chỗ bản thân DN phải có nhận thức về sự cần thiết phải số hóa và phải có các đơn vị tổ chức có chức năng giúp họ hiểu được muốn số hóa phải làm gì, đầu tư thế nào cho hiệu quả.

Tuy nhiên, trước tiên DN phải chuẩn bị 3 tâm thế: cần thiết số hóa; nội bộ con người có đủ năng lực tham gia số hóa; quy trình quản lý DN sẽ ảnh hưởng.

Hỗ trợ doanh nghiệp tiên phong

Điều kiện để quá trình chuyển đổi số được thúc đẩy và phát triển, theo các DN và chuyên gia, cần khung thể chế tạo nền tảng để đưa cái mới và sáng tạo vào. Nếu không sẽ dẫn tới rủi ro pháp lý khiến DN gặp khó khăn, thậm chí phá sản. Con người sẽ là trọng tâm của quá trình này.

Một yếu tố nữa là công nghệ, theo ông Nguyễn Đình Thắng, công nghệ thực chất là đơn giản nhất vì nếu DN nhận thức được và có vốn đầu tư sẽ đem lại hiệu quả.

Với DN Việt Nam, thuận lợi để thực hiện chuyển đổi số là chưa có nhiều DN lớn và DN chưa đầu tư nhiều về công nghệ nên sẽ không rơi vào tình trạng phải thay đổi, xóa bỏ cái cũ để làm cái mới. DN chưa tốn chi phí về rủi ro đầu tư nên có thể áp dụng ngay công nghệ mới.

“Chính phủ cần tạo cơ chế, hỗ trợ DN tiên phong trong quá trình này. Đặc biệt, nhà nước cần cơ chế ưu tiên khuyến khích thúc đẩy DN trong các lĩnh vực đầu tư về hạ tầng chuyển đổi số để tạo ra cơ sở, nền tảng dữ liệu về AI, Big Data, blockchain… Những công ty tư vấn, hỗ trợ chuyển đổi số cũng cần thiết, bởi gần như 90% DN chưa hiểu chuyển đổi số là gì, nên cần công ty tư vấn. Đây là quá trình lâu dài nên nhanh hay chậm phụ thuộc vào người đứng đầu” – ông Nguyễn Đình Thắng phân tích.

Còn theo ông Huỳnh Kim Tước, các hiệp hội cần giúp DN hiểu về tầm quan trọng của số hóa thông qua việc kết nối hội viên với các tổ chức tư vấn để trang bị kiến thức cho DN. Nhà nước sẽ tham gia với vai trò định hướng, ban hành các tiêu chuẩn, chính sách hỗ trợ thông tin…

Theo PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh của Việt Nam trong thời gian qua đã có bước tiến đáng kể.

Đặc biệt, từ khi ứng dụng được công nghệ cao vào sản xuất, năng suất đã cao hơn hẳn. Lĩnh vực ứng dụng công nghệ nhanh và mạnh là dịch vụ, kinh doanh ứng dụng, kinh tế chia sẻ…

Ngoài ra, một số DN nông nghiệp cũng ứng dụng công nghệ vào sản xuất và đạt kết quả khả quan.

Tuy nhiên, những ngành then chốt như chế biến, chế tạo lại chưa có sự đầu tư công nghệ tương xứng; chưa tham gia được vào chuỗi liên kết nên không đem lại giá trị gia tăng lớn.

Mặt khác, trình độ đầu tư khoa học công nghệ còn chưa đồng đều, chủ yếu tự phát, tập trung ở các DN lớn, có tiềm lực. Điều này dẫn đến năng suất lao động chung của cả nền kinh tế còn chưa cao.

Để khắc phục, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng ngoài việc tuyên truyền, xây dựng đề án để cộng đồng DN cùng dành nguồn lực đầu tư cho khoa học – công nghệ còn cần sự hỗ trợ của nhà nước trong việc tháo gỡ những vướng mắc, tạo sự đồng bộ về pháp luật nhằm tạo mọi điều kiện cho DN.

Đặc biệt, Chính phủ cần có giải pháp mạnh mẽ để thu hút đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, các nhà khoa học tài năng ở trong và ngoài nước chung tay giải quyết những điểm nghẽn của Việt Nam.

Tất nhiên, DN cũng phải tự thân nâng cao trình độ của mình để phục vụ tốt hơn cho sản xuất và quản trị. Trong đó, DN ở hai đầu tàu kinh tế chính là TP HCM và Hà Nội cần được trao nhiều điều kiện hơn nữa để thu hút đầu tư vào khoa học – công nghệ từ bên ngoài, chẳng hạn thu hút đầu tư từ các hãng, các công ty công nghệ và lợi nhuận chia sẻ cho hai bên.

Theo NLĐ