Lợi, hại trò “đá xoáy”, hạ bệ người khác
Kent Gavin

Có ba con gà đang nhảy trên một đường thẳng. Cơ thể chúng được giữ chặt bằng các cặp găng tay màu trắng, chúng xoay mình và nhún nhảy theo bài hát “Upside Down” của Diana Ross.

Khi thân mình mấy con gà di chuyển, đầu chúng vẫn hoàn toàn bất động, như thể mấy cái đầu được thế lực vô hình nào đó giữ đứng yên.

Không, đó chẳng phải là giấc mơ của tôi, và đúng vậy, tôi đang đi đâu đó cùng với giấc mơ đó.

Cảnh tượng như thôi miên trên được nhà sản xuất xe hơi hạng sang Mercedes-Benz sản xuất trong chiến dịch quảng cáo lan truyền trên mạng để quảng bá hệ thống “Lái Thông minh” mới vào năm 2013.

Hóa ra lũ gà có phản xạ như diễn viên múa ba-lê, giúp chúng có thể giữ đầu đứng yên bất cứ lúc nào. Mercedes-Benz muốn chúng ta biết xe hơi của hãng này cũng có “Hệ thống Điều khiển Cơ thể kỳ diệu” đó.

Một trong những hãng xe hơi không đội trời chung với Mercedes-Benz coi quảng cáo này là khiêu khích.

Vài tháng sau đó, hãng xe Jaguar tung ra phản hồi: đó là một quảng cáo khác, cũng với mấy con gà nhảy múa.

Người diễn viên múa rối quan sát và thắc mắc: “Thấy không, chỉ giống như Mercedes thôi!” – trước khi con gà tội nghiệp bị con báo ăn thịt.

Trong đám lông gà bay lả tả, họ tung ra một dòng khẩu hiệu chết chóc: “Hệ thống điều khiển Cơ thể Kỳ diệu? Chúng tôi thích phản xạ của họ nhà mèo hơn.”

Mặc dù cách nói chuyện kiểu ‘đá xoáy’ thường liên quan tới cái tôi đầy tự mãn của dân chơi thể thao, thì ta vẫn có thể tìm ra đầy các ví dụ phong phú trong nhiều ngành công nghiệp khác, từ quảng cáo, tới chính trị và luật pháp.

Ngay cả những vị vua cổ đại cũng đấu khẩu, như trong một ví dụ nổi tiếng, Vua Philip II của đế quốc Macedonia gửi cho kẻ thù một thông điệp, trong đó ông ‘nổ’ rằng nếu họ mà đem binh lính đặt chân vào lãnh thổ của ông thì chúng sẽ bị tận diệt đến cùng, chẳng bao giờ ngóc dậy được nữa – cơ bản là, ông sẽ đá đít chúng. Lãnh đạo quân thù gửi lại ông thông điệp chỉ với một từ duy nhất: “nếu như…”.

Và mặc dù khó tưởng tượng ra một đồng nghiệp cười chế nhạo là đến cái chậu cây cảnh của họ còn thuyết trình hay hơn bạn, thì hóa ra trong thực tế, những kiểu nói chuyện hạ bệ nhau khá phổ biến trong đời sống văn phòng.

Bằng chứng gần nhất cho thấy ‘đá xoáy đã tràn vào công sở và chúng thịnh hành hơn bạn nghĩ nhiều.

Năm ngoái, Jeremy Yip, một chuyên gia về quản lý từ Đại học Georgetown, cùng với các nhà nghiên cứu từ Đại học Pennsylvania, quyết định tìm hiểu chính xác xem trò đấu khẩu giữa đồng nghiệp với nhau trong các công ty thuộc nhóm Fortune 500 ra sao.

Họ đã khảo sát 143 người về trải nghiệm của họ và nhận thấy 61% số người khảo sát thể nhớ những cuộc đấu khẩu xảy ra trong khoảng ba tháng gần thời gian đó.

“Trò này khá thịnh hành và xảy ra khá thường xuyên,” ông cho biết. “Nghe thực sự sốc.”

Vậy kiểu nói chuyện khiêu khích này tác động đến mọi người ra sao? Và liệu tất cả chúng ta có nên ‘tu luyện’ để có thể sỉ nhục đối phương theo cách nghiệt ngã nhất không?

Cảm hứng không ngờ tới

Đầu tiên, ‘đá xoáy là gì?

Các nhà nghiên cứu định nghĩa ‘đá xoáy’ là “nổ quá trớn về bản thân hoặc sỉ nhục đối phương”.

Ví dụ mà Yip yêu thích nhất về trường hợp thứ hai là vào năm 1999, khi London đang chuẩn bị đón mừng thiên niên kỷ mới.

Hoạt động chào mừng gồm có xây dựng một vòng quay quan sát khổng lồ, được gọi là “London Eye” (Mắt London) do hãng hàng không British Airways tài trợ.

Lạy giời, vào giai đoạn xây dựng cuối cùng, người ta rõ ràng thấy công trình này không thể hoàn thành đúng hạn.

Tự nhiên điều này khiến Richard Branson, tỷ phú sáng lập hãng hàng không đối thủ là Virgin Atlantic, thấy rất hồ hởi, và ông sắp xếp cho một khinh khí cầu nhỏ bay bên trên công trình dang dở đó với dòng banner viết rắng “BA [British Airways] không thể xây xong!”

Võ sĩ quyền anh huyền thoại Muhammad Ali nâng tầm một số câu nói châm biếm đáng nhớ dành cho đối thủ của ông

Tìm hiểu về đấu khẩu có thể giúp mọi người lường trước nó, Yip và đồng nghiệp của ông mời 178 sinh viên chơi một trò chơi trên mạng.

Một nửa trong số đó được chuẩn bị với một số cuộc tán dóc vô thưởng vô phạt trước đó, trong khi nửa còn lại được lên dây cót tinh thần bằng những bình luận như:

“Ô này đồ ngu, mày sẽ thua và mày sẽ thua thê thảm…. hết chuyện!!!” Tất cả các sinh viên đều được thông báo rằng nếu họ thắng, họ sẽ nhận được phần thưởng đáng mơ ước là 1 đô la Mỹ.

Đáng kinh ngạc là, những sinh viên bị coi là mục tiêu hạ nhục đã chơi tốt hơn hẳn các sinh viên còn lại.

“Điều này rất thú vị dù ta có xu hướng nghĩ rằng đấu khẩu là cách doạ nạt người khác, và làm khả năng thể hiện của họ suy giảm, nhưng gì chúng tôi phát hiện ra rằng khi bạn là nạn nhân của đấu khẩu, bạn trở nên có động lực hơn gấp bội để chiến thắng đối thủ,” Yip nhận định.

Yip chỉ ra rằng trong nghiên cứu của ông, công sở là trung tâm của sự cạnh tranh, vì đây là hệ quả tự nhiên do không bao giờ có đủ nguồn lực cho tất cả mọi việc. Trong thế giới việc làm, “nguồn lực” gồm có tiền thưởng, sự thăng chức và vị trí trong các dự án hấp dẫn nhất.

Đấu khẩu chỉ là một trong số những cách mà sự cạnh tranh thể hiện – nhưng đây là cách làm rủi ro. “Đó là cách ngay lập tức tạo ra đối thủ,” Yip nói.

Dù bạn có thể đã có sự cạnh tranh với đồng nghiệp từ trước đó, nhưng tạo ra đối thủ là thứ quái vật hoàn toàn khác. Giờ đây họ sẽ kiên quyết muốn thấy bạn thất bại.

Một trong những hệ quả không hay hò gì của đấu khẩu đó là chúng dẫn đến chiêu trò bẩn thỉu hơn. Trong môt nghiên cứu sau đó, nhóm của Yip nhận thấy những sinh viên bị rơi vào trò đấu khẩu có xu hướng tận dụng cơ hội để chơi ăn gian hơn đối thủ của họ.

Nghệ thuật gây xao nhãng

Nhưng trước khi bạn định quẳng cuốn sách về những câu sỉ nhục thơ mộng nhất của Muhammad Ali đi, thì đấu khẩu cũng có một số lợi điểm hấp dẫn.

Đầu tiên, nếu bạn có thể khiến đối thủ phải phản pháo, thì có thể cả hai bên đều được lợi từ sự khiêu khích mà đấu khẩu đem lại. Nhưng nếu đấu khẩu chẳng có tác dụng gì, thì một lợi điểm nổi bật đó là nó có thể gây xao nhãng cực kỳ nhiều cho đối thủ.

Trong một phần của nghiên cứu, Yip và nhóm của ông thử nghiệm xem đấu khẩu có ảnh hưởng ra sao tới khả năng làm việc với các dự án sáng tạo, và nhận thấy những người nhận những lời khiêu khích mà các nhà nghiên cứu cẩn thận xây dựng đã làm việc kém hơn thấy rõ.

Ông nói rằng có thể vì sáng tạo là công việc cực kỳ đòi hỏi về khả năng nhận thức – nó đòi hỏi người làm việc phải nghĩ về nhiều ý tưởng một lúc, và sau đó điều chỉnh các ý tưởng đó theo hướng mới – trong lúc đấu khẩu khiến họ khó mà sắp xếp được các thứ theo cách hay nhất.

Kỳ lạ là, đây là hệ quả duy nhhất mà người ta có thể đoán được.

Khi nhóm nghiên cứu hỏi mọi người xem họ nghĩ đấu khẩu có thể gây ảnh hưởng đến đối thủ giả định ra sao, thì giữa kỳ vọng của mọi người và thực tế có khoảng cách khá lớn. “Ta dự đoán chính xác là đấu khẩu gây xao nhãng, nhưng ta không đoán được là đấu khẩu cũng có thể trở thành động lực,” Yip nói. “Cơ bản là có một mô hình tâm lý thất bại ở đây.”

Một nghiên cứu khác do Karen McDermott thực hiện từ Đại học Connecticut xác nhận rằng đấu khẩu thực sự khiến người ta cực kỳ khó chịu – đặc biệt khi đó là trò dội lên đầu người khác những câu sỉ nhục kinh điển như “Nhặt lấy một cái ống hút đi đồ đụt đần độn!” – trong khi họ cố gắng chơi trò chơi video Mario Kart.

Đúng như bạn nghĩ, câu xúc phạm khiến người chơi cảm thấy xấu hổ và giận dữ. Đây là cách gây xao nhãng, và người chơi có xu hướng chơi dở dần đi.

Lên tinh thần cho bản thân, đừng hạ thấp đối thủ

Vậy những hành vi có vẻ như cực kỳ thiếu đạo đức này có tác dụng gì trong đời sống công sở không? Và nếu có thì ta có thể tận dụng chúng hiệu quả ra sao?

Đấu khẩu là hiện tượng được nghiên cứu cực kỳ ít ỏi, dù nó có mặt ở khắp nơi, nhưng chưa ai tìm hiểu tác động của chúng với nhân viên làm việc trong công sở.

Tuy nhiên, McDermott tự tin cho rằng nghiên cứu của bà đã đem lại một số manh mối.

“Tôi nghĩ rằng những hiệu ứng này có tồn tại ở mức độ nào đó nơi công sở,” bà nói.

“Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng khả năng gây xao nhãng có thể sẽ là ít, vì bạn đấu khẩu xong thì sau đó quay về bàn làm việc và nghĩ về nó.”

Thay vào đó, bà suy đoán rằng hiệu ứng cảm xúc của việc bị hạ nhục sẽ vấn vương trong thời gian dài với những người bị ảnh hưởng, và gây ảnh hưởng tới cảm hứng làm việc của họ, có thể tốt hơn hoặc xấu hơn.

Tuy nhiên, McDermott cảnh giác cho rằng bà đã phải chọn những câu đấu khẩu trong nghiên cứu của bà cực kỳ cẩn trọng.

“Rất nhiều trong số chúng là định kiến về nữ giới và sỉ nhục người đồng tính – những câu đấu khẩu liên quan đến việc hạ thấp nam tính hoặc chê bai rằng họ như đàn bà vậy,” bà giải thích.

“Tất nhiên, tôi không muốn thực sự sỉ nhục người khác chỉ để quan sát được phản ứng của họ.”

Để tránh trượt dài xuống dốc để từ trò đấu khẩu biến thành bắt nạt, những người định đưa ra một số câu ứng đối cạnh tranh trong ngày làm việc tốt hơn là nên tự động viên bản thân, thay vì hạ nhục người khác.

McDermott cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giữ cho không khí đấu khẩu vui vẻ, và tạo ra mối quan hệ với người mà bạn định bắt đầu đấu khẩu trước đó; việc ngẫu nhiên sỉ nhục người khác sẽ khiến bạn không kết bạn được với ai, và thậm chí có thể khiến bạn bị sa thải.

Yip khuyến nghị là bạn nên tránh đấu khẩu với tất cả đồng nghiệp; thay vào đó, hãy sử dụng cách này để tạo ra đối thủ giữa công ty của bạn và bên ngoài.

“Tôi có thể nói rằng nhìn chung thì hệ quả thường mang tính tiêu cực nhiều hơn khi các nhân viên đấu khẩu với nhau, vì ta cần có không khí hợp tác trong công sở, nơi mọi người đều có liên quan đến nhau và cần làm việc với nhau trong các dự án,” ông nói.

Một nghiên cứu của ông về chủ đề này cho thấy các cuộc đấu khẩu có thể khiến mọi người có động lực hơn trong những tình huống mang tính cạnh tranh, nhưng cũng khiến người ta không dành nhiều nỗ lực vào dự án chung của cả nhóm nếu họ thấy đồng nghiệp hành xử thiếu văn minh.

Đương nhiên, ít nhất bằng trực giác thì hầu hết mọi người đều biết quy luật này, vì đấu khẩu có vẻ phổ biến hơn cả giữa những nhóm người theo kiểu “bộ tộc”, như công ty, đội bóng, trường đại học, hơn là giữa các cá nhân với nhau.

“Nếu bạn có nhân viên làm việc tại Google và bạn muốn khích lệ họ, bạn có thể cố gắng nói đểu về Amazon hay Apple, và cách làm này có thể tạo ra một số hiệu ứng tích cực,” Yip nói.

Vậy đấy, bạn đã hiểu rồi.

Nếu được sử dụng cẩn thận, đấu khẩu có thể khiến bạn có ưu thế trong một số trường hợp.

Nhưng bạn cần phải hiểu luật chơi, nếu không có thể bạn sẽ phải ra tòa thay vì nhận vị trí ở văn phòng to đẹp hơn.

Như câu nói nổi tiếng của vua đấu khẩu Muhammad Ali, hãy nói rằng: “Tôi là vua của thế giới!” chứ đừng nói “Tôi sẽ đánh hắn tơi tả, khiến hắn phải dùng cái gậy đeo giầy mới đội được nón lên!”.