16 ngân hàng tiên phong giảm lãi cho vay
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thực hiện nghiêm túc cam kết giảm lãi suất cho vay và lãi suất huy động. Ảnh: TL

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng đã cam kết giảm lãi suất cần phải làm thực chất, giảm lãi suất nhưng không được tăng các loại phí.

Hiệp hội Ngân hàng (NH) Việt Nam cho biết các NH vừa đồng thuận thống nhất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn, phục hồi và phát triển.

Cam kết giảm lãi suất

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội NH, cho biết: Nhằm ổn định mặt bằng lãi suất huy động, đảm bảo an toàn thanh khoản hệ thống NH, hiệp hội đã họp với các hội viên để kêu gọi và 100% đã thống nhất áp dụng mức lãi suất huy động tại các kỳ hạn không vượt quá 9,5%/năm (kể cả các khoản khuyến mãi cộng lãi suất).

Đồng thời, các tổ chức tín dụng cũng đồng thuận nỗ lực giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp thông qua tiết giảm chi phí.

Tính đến thời điểm này đã có 16 NH cam kết giảm lãi suất với số tiền khoảng 3.500 tỉ đồng. Mức lãi suất mà các NH cam kết giảm dao động 0,5%- 3%/năm, cá biệt có NH cam kết giảm đến 3,5%/năm.

“Đây là sự cố gắng, quyết tâm của các NH trong việc tiết giảm chi phí và chia sẻ khó khăn đối với các doanh nghiệp, người dân” – ông Hùng nói.

Đây được xem là thông tin bất ngờ đối với các doanh nghiệp trong bối cảnh lãi suất huy động liên tục tăng, kéo lãi suất cho vay tăng theo trong thời gian qua.

Theo đó, mặt bằng lãi suất huy động hiện ở mức cao, phổ biến 9%-11% đối với kỳ hạn trên 12 tháng, thậm chí có NH nâng lãi suất huy động lên tới trên 12%/năm. Lãi suất cho vay cũng tăng mạnh, có nơi lên mức 14%-15%/năm.

Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 16 NH cam kết giảm lãi suất cho vay, với mức lãi suất giảm 0,5%-3%/năm.

Việc các NH liên tục tăng mạnh lãi suất tiền gửi lẫn cho vay gây nên tình trạng cạnh tranh huy động gay gắt, khiến chi phí đầu vào của các NH tăng lên rất nhiều.

Phó Thống đốc NH Nhà nước Đào Minh Tú thông tin thêm cơ quan này đã đề nghị các NH thương mại quan tâm và tạo điều kiện tối đa để giảm lãi suất huy động cũng như lãi suất cho vay, mặc dù điều kiện trong nước và thế giới có nhiều khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động NH.

Giảm lãi suất nhưng không được tăng phí

Đại diện một số doanh nghiệp cho rằng việc một số NH tuyên bố ổn định hay giảm lãi suất cho vay là tín hiệu tích cực.

Nhưng quan trọng là cần giảm lãi suất thực chứ không phải trên lời nói hoặc giảm lãi suất nhưng tăng các loại phí, rồi kèm gói bảo hiểm…; chỉ giảm lãi suất cho một số đối tượng rất hạn hẹp trong một khoảng thời gian rất ngắn rồi âm thầm tăng mạnh trở lại.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Thống đốc NH Nhà nước Đào Minh Tú cũng yêu cầu các NH thương mại cần tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động một cách tích cực nhất để có thể giảm lãi suất, giảm lãi suất thực chất, giảm lãi suất nhưng không được tăng các loại phí.

Trong đó, tập trung giải ngân vào những lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp – nông thôn, xuất khẩu, sản xuất hàng phụ trợ, vào các lĩnh vực thuộc động lực tăng trưởng của nền kinh tế…

Lãnh đạo NH Nhà nước nhấn mạnh: Bên cạnh những chỉ tiêu đánh giá xếp loại, việc các NH thực hiện đúng cam kết giảm lãi suất cũng là một trong những yếu tố quan trọng để NH Nhà nước có thêm điều kiện xác định hạn mức tín dụng năm 2023 cho NH đó.

Ông cũng lưu ý không thể để lãi suất tăng đến mức gây ra khó khăn cho doanh nghiệp và người dân nhưng cũng không thể để các NH rơi vào tình trạng suy yếu về mặt năng lực tài chính, lỗ và tạo ra bất cập về cơ chế điều hành chung. “Giảm lãi suất quan trọng nhất là cắt giảm chi phí hoạt động, lợi nhuận” – ông Tú nói.•


Giảm lãi cao nhất lên đến 3,5%/năm

Những ngày gần đây, một loạt NH thông báo giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn.

Vietcombank là NH đầu tiên trong hệ thống đưa ra thông báo giảm lãi suất. Cụ thể, NH này giảm lãi suất 1%/năm đối với các khoản vay bằng tiền đồng cho khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân hiện hữu. Chính sách này kéo dài từ ngày 1-11 đến hết 31-12.

Agribank tuyên bố áp dụng chính sách giảm 20% so với lãi suất cho vay đang áp dụng đối với dư nợ bằng tiền đồng tại thời điểm ngày 30-11. Với dư nợ phát sinh từ ngày 1 đến 31-12, NH này giảm tối đa 20% so với mặt bằng lãi suất đang áp dụng với từng đối tượng, lĩnh vực.

BIDV giảm lãi suất 0,5%-2,5%/năm cho khách hàng vay vốn thuộc lĩnh vực ưu tiên; khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; khách hàng có hoạt động xuất nhập khẩu; khách hàng doanh nghiệp nước ngoài, khách hàng cá nhân…

Mới đây nhất, VPBank giảm lãi suất cả kỳ hạn vay ngắn hạn, trung hạn và dài hạn lên tới 1,5% cho các khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tương tự, NH Quân đội cũng đưa ra những gói ưu đãi riêng, giảm 0,5%-1%/năm cho các lĩnh vực ưu tiên, sản xuất, xuất nhập khẩu…

Còn HDBank cam kết giảm lãi suất lên đến 3,5%/năm đối với khách hàng cá nhân và doanh nghiệp ở các nhóm ngành nghề khác nhau từ đầu tháng 11 đến hết năm 2022. SHB có bố trí chương trình giảm lãi suất lên đến 2%/năm cho các khách hàng cá nhân và doanh nghiệp trong các lĩnh vực ưu tiên, sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thiết yếu, nhu yếu phẩm…

Theo PL TPHCM