Dự kiến giá thịt gà công nghiệp vẫn duy trì ở mức thấp

Quỳnh Chi tổng hợp

Bộ Công Thương khuyến cáo các hộ, các cơ sở chăn nuôi cân nhắc việc tăng đàn, tránh tự phát, ồ ạt. Ảnh minh họa

Theo số liệu công bố của Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng năm 2019, cả nước nhập khẩu 215,7 nghìn tấn thịt gà các loại với kim ngạch đạt hơn 186 triệu USD, tăng 49% về lượng và tăng 46% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2018.

Theo dõi số liệu thống kê trong các tháng đầu năm 2019, so với năm 2018, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đánh giá, có thể thấy lượng nhập khẩu thịt gà tăng trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2019 nhưng đã giảm dần từ tháng 6 đến nay Giá nhập khẩu bình quân mặt hàng này là 861 USD/tấn, tương đương khoảng 19.800 đồng/kg, chưa tính thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, bảo quản kho lạnh…

Nhận định về nguồn cung giá thị gà thời gian qua, có thể thấy, trước tháng 8 năm 2019, giá gà thịt trong nước tương đối ổn định, giá thịt gà trong nước chỉ giảm cục bộ tại một khu vực với một chủng loại trong một thời điểm.

Giá thịt gà ta, gà công nghiệp tại phía Bắc gần như không có sự thay đổi, chỉ giảm giá thịt gà công nghiệp tại khu vực Đông Nam Bộ trong thời gian từ tháng 8 đến tháng 9 năm 2019.

Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ, nguyên nhân là do khi dịch tả lợn châu Phi lan rộng, nhiều hộ chăn nuôi lợn ở khu vực Đông Nam Bộ dự báo người tiêu dùng sẽ không ăn thịt lợn, vì vậy đã chuyển sang chăn nuôi gà công nghiệp ồ ạt, làm tăng đàn tự phát, thiếu kiểm soát.

Việc phát triển “nóng” ngành chăn nuôi gà tại khu vực này đã gây sức ép cho các hộ, các cơ sở chăn nuôi bán giảm giá để cắt lỗ, thu hồi vốn. Có thời điểm mỗi tuần, khu vực Đông Nam Bộ cho xuất chuồng đến 2,5 triệu con gà.

Đây là những nguyên nhân chính đẩy giá gà công nghiệp tại khu vực Đông Nam Bộ giảm sâu trong thời gian tháng 8 và tháng 9 năm 2019.

Các số liệu về nhập khẩu thịt gà cho thấy lượng nhập khẩu có xu hướng tăng trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6 để bù đắp cho sự thiếu hụt nguồn cung thịt lợn trong nước do dịch tả lợn châu Phi.

Tuy nhiên tốc độ nhập khẩu thịt gà từ giai đoạn tháng 6 đến nay có xu hướng giảm do giá nhập khẩu bình quân thịt gà bắt đầu tăng từ tháng 6 năm 2019, cộng thêm nguồn cung sản xuất trong nước tăng liên tục, đặc biệt là tại khu vực Đông Nam Bộ.

Giá thịt gà nhập khẩu trong giai đoạn tháng 8 đến đầu tháng 9 năm 2019 luôn cao hơn giá thịt gà công nghiệp sản xuất trong nước tại khu vực Đông Nam Bộ.

Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ trong nước đối với thịt gà vẫn không tăng dù có dịch tả lợn châu Phi do sự chuyển đổi thói quen sử dụng từ thịt lợn sang thịt gà vẫn hạn chế, nhập khẩu thịt gà chủ yếu để thực hiện các hợp đồng cung ứng phục vụ các ngành chế biến thực phẩm và bếp ăn công nghiệp.

Như vậy, có thể thấy, việc nhập khẩu thịt gà trong thời gian qua có thể cũng tác động một phần nào nhưng không phải là nguyên nhân chủ yếu tác động tiêu cực đến ngành chăn nuôi trong nước, gây giảm giá thịt gà tại Đông Nam Bộ.

Dự kiến trong thời gian từ nay đến cuối năm, giá thịt gà công nghiệp vẫn duy trì ở mức thấp, đặc biệt là tại khu vực Đông Nam Bộ do nguồn cung ứng trong nước vẫn dồi dào.

Cân nhắc tăng đàn

Trước tình hình này, Bộ Công Thương khuyến cáo các hộ, các cơ sở chăn nuôi cân nhắc việc tăng đàn, tránh tự phát, ồ ạt; các địa phương chăn nuôi gà trọng điểm tăng cường hướng dẫn, tuyên truyền đến các hộ, các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn nhằm kiểm soát tình hình chăn nuôi, đáp ứng đúng quy hoạch, tránh dẫn đến nguồn cung quá lớn, làm giảm giá bán.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục theo dõi sát tình hình chăn nuôi gia cầm, gia súc các loại, tái cơ cấu ngành chăn nuôi với mô hình tập trung và hiện đại, đảm bảo sản xuất theo đúng quy hoạch, tránh tình trạng dư thừa, thiếu hụt nguồn cung cục bộ, ảnh hưởng tiêu cực đến giá trong nước, đồng thời tiếp tục đàm phán với cơ quan hữu quan các nước để mở cửa thị trường cho các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam.

Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình giá tại thị trường trong nước đối với các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt thịt các loại nhập khẩu, kịp thời có giải pháp phù hợp khi có những diễn biến bất thường về giá hoặc lượng tiêu thụ; đồng thời chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm soát hoạt động vận chuyển, lưu thông nhằm phòng chống hiện tượng buôn lậu và gian lận thương mại phát sinh.