Xuất nhập khẩu trực tuyến là cơ hội mới cho doanh nghiệp Việt vươn ra biển lớn
Quang cảnh buổi hội thảo

Ngày 16/5/2017 tại Hà Nội, Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam ( VECOM ) phối hợp với Liên minh Hỗ trợ Xuất khẩu Việt Nam (Vietnam Export Support Alliance – VESA) tổ chức Hội thảo Xuất nhập khẩu trực tuyến 2017 (Vietnam eTrade Conference – VETC). Đây là sự kiện đầu tiên liên quan đến lĩnh vực xuất nhập khẩu do VECOM tổ chức và nhận được sự quan tâm, tham gia của đông đảo đại biểu đến từ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp liên quan đến xuất nhập khẩu.

Hội thảo chia làm 3 phiên bao gồm dịch vụ công trực tuyến hay giao dịch trực tuyến giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp xuất nhập khẩu (G2B);  những cơ hội mở rộng xuất khẩu nhờ tham gia các sàn thương mại điện tử theo mô hình doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B); xu hướng và giải pháp phát triển xuất nhập khẩu trực tiếp tới người tiêu dùng (B2B2C). Tất cả đều được chia sẻ bởi các diễn giả là chuyên gia uy tín trong lĩnh vực thương mại, thương mại điện tử, logistics, thanh toán, xuất nhập khẩu… từ nhiều cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp như Cục Xuất nhập khẩu, Cục Thương mại điện tử, Cục Xúc tiến thương mại, Trường đại học Ngoại thương, Alibaba, OSB, Payoneer, Lazada, Fado, Nguyễn Kim, Giao hàng nhanh…

Đại diện hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, ông Nguyễn Thành Hưng Chủ tịch VECOM cho biết “Năm 2017 là một năm có nhiều thay đổi. Thói quen và nhu cầu mua sắm mới đang tạo nên những xu hướng mới và nhu cầu cần có những công nghệ và công cụ mới để tương thích cũng được hình thành theo đó. Vì vậy, những doanh nghiệp nào biết đón đầu xu hướng và có những bước đi phù hợp để tạo sự khác biệt sẽ nắm bắt được những cơ hội mới. Thương mại điện tử là kênh xuất khẩu trực tuyến đem đến cơ hội thành công cao vì đây là kênh bán hàng không có giới hạn về địa lý với lượng khách hàng khổng lồ và mức chi phí thấp”.

Bên cạnh đó trong phiên thứ 3 xu hướng và giải pháp phát triển xuất nhập khẩu trực tiếp tới người tiêu dùng (B2B2C) đại diện Lazada đánh giá Việt Nam nằm trong khu vực thị trường khu vực Đông Nam Á cố tốc độ phát triển Internet nhanh nhất thế giới với 260 triệu người sử dụng Internet, dự kiến đến năm 2020 sẽ xấp xỉ 480 triệu người dùng chủ yếu là dân số trẻ khả năng tiếp cận và thích nghi với các sản phẩm công nghệ nhanh đặc biệt là Smartphone và các nền tảng giao dịch thanh toán trực tuyến trên Mobile. Đây sẽ là nguồn dữ liệu khách hàng để các doanh nghiệp TMĐT, doanh nghiệp XNK triển khai đưa sản phẩm của mình trực tiếp đến tay người tiêu dùng qua hình thức B2B2C.

Ngoài ra theo khảo sát của cục TMĐT & CNTT và báo cáo của Asian Plus Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đang là khu vực có thị trường TMĐT lớn nhất thế giới, trong năm 2016 doanh thu của thị trường này đạt 1 nghìn tỷ USD, dự kiến đến năm 2020 đạt 2,725 nghìn tỷ USD trong đó nổi bật là sàn TMĐT Alibaba với “nền tảng giao dịch điện tử quốc tế” giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Trung Quốc vươn ra tiếp cận thị trường quốc tế.

Tại Việt Nam, để hỗ trợ các doanh nghiệp tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến trong hoạt động xuất nhập khẩu bắt kịp xu thế phát triển TMĐT thế giới và khu vực, trong hội thảo XNK trực tuyến 4 đơn vị chủ chốt có liên quan trong hoạt động XNK như Ngân hàng VPBank, Công ty bảo hiểm PTI và Công ty logistics T&M đặc biệt là sự tham gia của OSB – Đại diện Alibaba tại Việt Nam đã đưa ra sáng kiến thành lập liên minh hỗ trợ xuất nhập khẩu Việt Nam (VESA). Đây sẽ là nền tảng hỗ trợ giúp các doanh nghiệp Việt Nam các hoạt động liên quan đến thương mại điện tử – logistic – ngân hàng – bảo hiểm, tạo thành một chuỗi hỗ trợ trực tiếp và toàn diện và hiệu quả cho các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động này.

Ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết việc ra đời Liên minh hỗ trợ Xuất nhập khẩu Việt Nam là điểm nhấn, trở thành kênh TMĐT chính thống để xuất nhập khẩu trực tuyến được nhiều doanh nghiệp biết đến và áp dụng. Đặc biệt : “song song với việc tiếp cận ngày càng tăng các dịch vụ công trực tuyến như hải quan điện tử, chứng nhận xuất xứ điện tử và nhiều dịch vụ công liên quan tới xuất nhập khẩu khác, các doanh nghiệp đã tích cực sử dụng mạng internet để trao đổi thông tin kinh doanh với các đối tác nước ngoài, tìm kiếm bạn hàng, giao kết và triển khai hợp đồng” ông Hải nhận xét.

Các đại biểu nhấn nút thành lập liên minh hỗ trợ xuất nhập khẩu VESA

Ngoài ra, một vấn đề cũng được các diễn giả và đại biểu, khách mời thảo luận trao đổi sôi nổi là về vấn đề thanh toán quốc tế trong hoạt động xuất nhập khẩu trực tuyến, đặc biệt thanh toán khi mua hàng hoá tại các sàn TMĐT nổi tiếng như Alibaba, Amazon, Shopee, Ebay vv…. Để rộng đường cho doanh nghiệp tham gia vào hoạt động xuất nhập khẩu trực tuyến và người tiêu dùng có thêm nhiều phương thức thanh toán quốc tế khi tham gia TMĐT xuyên biên giới trong phiên thứ 2 với chủ đề những cơ hội mở rộng xuất khẩu nhờ tham gia các sàn thương mại điện tử theo mô hình doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B), đại diện Payoneer ông Jonny Steel phó chủ tịch về Marketing đã giới thiệu đến nền tảng cổng thanh toán trực tuyến liền mạch xuyên biên giới đang có mặt tại hơn 200 quốc gia với số lượng người sử dụng lên đến 3 triệu tài khoản.

Các sàn TMĐT lớn trên thế giới đang lựa chọn Payoneer làm phương thức thanh toán giao dịch toàn cầu

Ông cho biết : “Hiện tại Payoneer đang được các thương hiệu lớn trên thế giới tin tưởng lựa chọn làm kênh kết nối thanh toán như Google, Amazon, Shopee, Ebay… Payoneer cung cấp cho các thị trường TMĐT và người bán hàng trực tuyến tất cả những công cụ cần thiết để dễ dàng thanh toán và nhận thanh toán quốc tế giống như bạn thực hiện giao dịch ở trong nước, xoá bỏ mọi rào cản về thanh toán phức tạp liên quan đến thương mại điện tử trực tuyến xuyên biên giới”. 

Những thách thức của hoạt động XNK trực tuyến

Theo đánh giá của Cục TMĐT & CNTT, Bộ công thương về quy mô thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam năm 2016 đạt 5,01 tỷ USD tăng 20% so với năm 2015. Bộ cũng tổ chức khảo sát trên 1500 DN Việt Nam trong đó 70% là doanh nghiệp nhỏ và vừa cho thấy chỉ có 11% DN  XNK tham gia vào sàn TMĐT; 49% DN XNK có website TMĐT nhưng thực tế chỉ có 2% trong tổ số DN tham gia khảo sát thực hiện giao kết hợp đồng qua sàn giao dịch TMĐT. Con số trên cho thấy DN đánh giá sàn TMĐT có hiệu quả thấp nhất trong các phương thức giao  kết hợp đồng.

Những thách thức của các DN  XNK Việt Nam chủ yếu liên quan đến vấn đề đồng bộ về chính sách, thủ tục xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các nước trên thế giới đặc biệt là thuế quan và thủ tục hành chính công trực tuyến, khi thời gian giải quyết thủ tục qua hình thức trực tuyến lâu hơn thực hiện bằng phương pháp thủ công; hệ thống dịch vụ công trực tuyến hoạt động không ổn định hay doanh nghiệp cảm thấy lúng túng khó sử dụng hoặc không được đào tạo về nghiệp vụ sử dụng hệ thống …

Ngoài ra một trong những lý do khiến DN XNK Việt Nam e ngại, chưa sử dụng dịch vụ công trực tuyến là do doanh nghiệp vẫn còn một số vướng mắc trong thực hiện hoạt động này. Cụ thể là liên quan đến thủ tục xuất nhập khẩu, doanh nghiệp phải thực hiện trên nhiều hệ thống khác nhau, nhiều thủ tục mới cung cấp ở mức độ thấp…

Quốc Nam