Tăng trưởng của Thương mại điện tử Việt Nam sẽ đạt 20%/năm

Thiên Kim

Đó là nhận định của đại diện Nielsen Việt Nam trong sự kiện Diễn đàn toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam (VOBF) vừa tổ chức thành công tại Tp.Hồ Chí Minh hôm 3/3.

Các diễn giả đang trả lời câu hỏi mà các công ty đưa ra

Sau thành công tại Hà Nội, dưới sự bảo trợ, giúp đỡ của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin – Bộ Công Thương, VOBF do VECOM tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh “hút” gần ngàn người tham dự cùng với sự tham gia của rất nhiều doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực kinh doanh trực tuyến.

Tại VOBF 2017 đã thảo luận 5 chủ đề nổi bật như: Quy mô và tốc độ tăng trưởng nhanh của thị trường trực tuyến, những cơ hội và thách thức. Tác động toàn diện của công nghệ đám mây (cloud) và di dộng (mobile) tới thương mại điện tử. Cơ hội tăng trưởng cao nhờ bán hàng đa kênh (omni chanel retail) với các nhà bán lẻ. Tiềm năng to lớn của thị trường xuất nhập khẩu trực tuyến và rủi ro khi doanh nghiệp Việt Nam thua trên sân nhà. Khởi nghiệp kinh doanh trực tuyến, những yếu tố tương đồng và khác biệt với khởi nghiệp trong những lĩnh vực khác.

Tại diễn đàn, dưới sự điều phối của ông Nguyễn Thanh Hưng (chủ tịch VECOM), đã có buổi tọa đàm bàn tròn tương tác cùng với các diễn giả là những chuyên gia uy tín đến từ các tổ chức và doanh nghiệp hàng đầu liên quan tới kinh doanh trực tuyến như: Cục TMĐT và CNTT, Nielsen Việt Nam, Vietnam Post), Lazada Việt Nam… đại biểu tham dự còn trao đổi với lãnh đạo và chuyên gia những công ty cung cấp công nghệ và dịch vụ nổi trội cho kinh doanh trực tuyến như mắt bão, Z.Com, VeriSign, Inet, Cốc Cốc, Facebook, Google…

Mở đầu buổi tọa đàm, Ông Hưng đã có những câu hỏi nhanh, xoay quanh tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử Việt Nam, về phía Nielsen Việt Nam bà Nguyễn Hương Quỳnh dự đoán rằng tốc độ tăng sẽ đạt 20%/năm và đến năm 2020 sẽ cán mốc 10 tỷ đô la, riêng năm 2017 tốc độ thấp nhất trong khoảng 25%. Đại diện VNpost cho rằng  “năm 2017 tốc độ tăng trưởng của Bưu điện ít nhất sẽ là 50%”. Còn với Lazada thì mức tăng doanh số sản lượng được dự báo sẽ tăng mỗi năm khoảng từ 2 – 3%.

Chủ tịch VECOM ông Nguyễn Thanh Hưng nhận định rằng, những con số mà các doanh nghiệp và bà Quỳnh đưa ra là rất khả quan, đây là tín hiệu đáng mừng cho thương mại điện tử Việt Nam trong những năm tới.

Những thắc mắc chung từ phía các doanh nghiệp như: Thương mại điện tử đang gặp phải những khó khăn gì? Tại sao khách hàng thường tìm hiểu về online, nhưng lại mua hàng offline? Hay những câu hỏi riêng như: Mua hàng ở Lazada không có hóa đơn đỏ? đã được các diễn giả giải đáp tận tình, dù thời gian có hạn. Ngoài ra các diễn giả còn tạo điều kiện cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân chia sẻ, trao đổi thêm về những xu hướng mới trong kinh doanh trực tuyến, các công nghệ nổi bật và ý tưởng kinh doanh sáng tạo giới thiêu những nghiên cứu thị trường mới liên quan tới thương mại điện tử trên thế giới cũng như tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Minh Đức (CEO IM Group) còn giới thiệu nghề maketing online cho sinh viên (Phối hợp bởi IM và VECOM) dành cho các sinh viên tại các trường đại học, cao đẳng trên cả nước. Những bạn trẻ có đam mê với maketing online có thể đến đăng kí, các sinh viên được đào tạo các lớp miễn phí. Theo ông Đức, đây sẽ là những nguồn nhân lực tốt trong tương lai cho thương mại điện tử Việt Nam.

Trước đó ngày 24/2/2017 diễn đàn đã diễn ra thành công tại Hà Nội và sau đó ngày 7/3/2017 sẽ diễn ra tại Đồng Nai. Diễn đàn VOBF được tổ chức ngay từ đầu năm sẽ giúp các doanh nghiệp điều chỉnh được kế hoạch kinh doanh phù hợp.