Xã hội hóa và vai trò liên kết đào tạo trong ngành thương mại điện tử giữa các trường đại học

Trần Thị Hồng-Bùi Văn Thời

PGS.TS. Phó hiệu trưởng và Giảng viên khoa QTKD Trường ĐH Nguyễn Tất Thành

Email: tthong@ntt.edu.vn –

           bvthoi@ntt.edu.vn

Tóm tắt

Vốn xã hội  là một nguồn lực vô hình giúp cho các cá nhân/tổ chức tạo lập một liên kết xã hội nhằm chia sẻ các nguồn lực sẵn có của nhau. Theo kết quả khảo sát của Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho thấy số lượng các trường Đại học đào tạo ngành thương mại điện tử (TMĐT) còn ít, đội ngũ giảng viên TMĐT chưa đáp ứng nhu cầu, học liệu phục vụ đào tạo chưa đầy đủ, sự hợp tác trong đào tạo TMĐT còn mờ nhạt ở mọi hình thức, đây là các thách thức lớn.

Chính vì vậy, việc nghiên cứu lý thuyết vốn xã hội (Social capital theory) & vận dụng nó trong việc tăng cường liên kết đào tạo ngành TMĐT giữa các trường Đại học và các bên liên quan là một yêu cầu cấp thiết nhằm tận dụng ưu thế của nhau.

  1. Giới thiệu

Theo Statista (2021), doanh số TMĐT bán lẻ năm 2021 đạt khoảng 4,9 nghìn tỷ đô la Mỹ trên toàn thế giới, dự kiến đạt 5,5 nghìn tỷ đô la vào năm 2022. Con số này được dự báo sẽ tăng 50% trong 4 năm tới, đạt khoảng 7,4 nghìn tỷ đô la vào năm 2025. Điều này chứng tỏ rằng TMĐT đang ngày càng trở thành một lựa chọn sinh lợi cho các doanh nghiệp (DN).

Ngoài ra, trong tổng doanh số bán lẻ toàn cầu năm 2022 thì 20,3% dự kiến đến từ mua hàng trực tuyến. Có nghĩa là, hơn 0,22 đô la trong mỗi 1 đô la chi tiêu cho hàng hóa bán lẻ trong năm nay sẽ được thực hiện qua internet. Tại Việt Nam, lĩnh vực TMĐT tiếp tục tăng trưởng nhanh, năm 2021 lĩnh vực này đạt tốc độ tăng trưởng vượt 20% và đạt quy mô trên 16 tỷ USD. Đến năm 2025, giá trị của nền kinh tế số Việt Nam đạt 57 tỷ USD trong đó TMĐT chiếm 39 tỷ USD. Đến năm 2030 nền kinh tế số Việt Nam có thể đạt 220 tỷ USD, trong đó TMĐT chiếm khoảng 150 tỷ USD (Vneconomy, 2022).

Trao đổi tại buổi công bố báo cáo đào tạo TMĐT năm 2022 ngày 24/8, đại diện Hiệp Hội TMĐT Việt Nam (VECOM) đánh giá nhu cầu tuyển dụng nguồn nhân lực TMĐT chất lượng cao tiếp tục tăng nhanh hơn nữa trong giai đoạn 2021-2025. Các doanh nghiệp kinh doanh TMĐT tăng trưởng mạnh mẽ, do đó, ngành TMĐT đang rất khát nhân lực. Các doanh nghiệp, hội viên của Hiệp hội liên tục tuyển nhân sự và việc tuyển dụng ngày càng khắt khe.

Để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động thì việc sử dụng lý thuyết vốn xã hội (VXH) nhằm tăng cường chất lượng mạng lưới liên kết giữa các cơ sở đào tạo ngành TMĐT là hết sức cần thiết nhằm tận dụng các nguồn lực sẵn có của nhau.

  1. Lý thuyết vốn xã hội

2.1. Vốn xã hội là gì ?

Trong lịch sử phát triển của mỗi quốc gia nói riêng và thế giới nói chung, các loại hình vốn khác nhau luôn tồn tại, tích lũy và phát triển. Trong đó, bên cạnh các loại hình vốn như vốn kinh tế (economic capital), vốn văn hóa (cultural capital), vốn biểu tượng (symbolic capital), riêng vốn xã hội (social capital) luôn hiện diện và đóng góp vào đời sống tinh thần cũng như vật chất của con người (Bourdieu, 1986). Thật ra, các nhà khoa học bắt đầu quan tâm đến khái niệm vốn xã hội khi lý giải hiện tượng hai cộng đồng dân cư có các nguồn lực và tài nguyên tương đương nhau nhưng một bên phát triển và một bên suy tàn.

Chính điều này, các nhà khoa học đã đúc kết và tiến hành làm hoàn thiện khái niệm vốn xã hội, từ đó, xem xét mối quan hệ giữa VXH với các loại hình vốn khác. Có thể nói, VXH đóng vai trò liên kết các nguồn vốn khác lại với nhau, phối hợp nhau để tăng cường hiệu quả sử dụng của các nguồn vốn, đóng góp vào việc tăng trưởng kinh tế (Lins và cộng sự, 2017).

Thuật ngữ vốn xã hội bắt đầu xuất hiện trong nhiều nghiên cứu cộng đồng, làm sáng tỏ tầm quan trọng cho sự tồn tại và hoạt động của các mạng lưới quan hệ chặt chẽ, xuyên suốt; phát triển các mối quan hệ cá nhân dựa trên sự tin tưởng, hợp tác và hoạt động tập thể trong cộng đồng dân cư (Jacobs, 1961). Đặc biệt, từ cuối những năm thập niên 80 của thế kỷ trước, trên quan điểm của mình, nhiều học giả đã đưa ra nhiều khái niệm về vốn xã hội và thuật ngữ này được tiếp cận nghiên cứu ở nhiều lĩnh vực như khoa học xã hội, kinh tế và đưa vào giảng dạy ở một số trường Đại học.

Nguồn gốc của VXH nằm ở các mối quan hệ xã hội giữa các chủ thể, các mối quan hệ xã hội này có thể được phân biệt với quan hệ trao đổi thị trường và quan hệ phân cấp trong xã hội (Kwon & Alder, 2014). Nhiều nghiên cứu đang ngày càng chứng minh tầm quan trọng của VXH trong quá trình phát triển các tổ chức và DN, cụ thể như tăng cường phát triển kiến thức (Mikovic và cộng sự; 2019), đổi mới sản phẩm (Prasetyo và cộng sự, 2020) và nâng cao kết quả kinh doanh (Purwati và cộng sự, 2021).

Nếu như vốn vật chất (physical capital) nói đến các tài sản hữu hình, ví dụ như máy móc, thiết bị, công cụ, nhà xưởng; vốn con người (human capital) nói đến các tài sản cá nhân như năng lực cá nhân, kinh nghiệm làm việc, trình độ, kiến thức và kỹ năng (McCallum và O’Connell, 2009) thì VXH đề cập đến các năng lực quan hệ xã hội của các cá nhân và tổ chức dựa vào nhận thức xã hội, tự quản trị, cam kết, thúc đẩy hợp tác, phối hợp, mạng lưới thông tin phản hồi được thiết lập theo niềm tin, thiện chí, có qua có lại, không gây tổn hại đến lợi ích của nhau (McCallum & O’Connell, 2009, Dai và cộng sự, 2015).

Như vậy, VXH không chỉ là sự tổng hợp các của cải vật chất, các tài sản xã hội mà còn là chất xúc tác làm kết dính các tài sản xã hội này lại với nhau. Lợi ích của VXH nằm ở việc chia sẻ thông tin, kiến thức, kinh nghiệm và giúp đỡ lẫn nhau giữa các cá nhân hay tổ chức.

  • Vốn xã hội của các tổ chức, doanh nghiệp

Về cấp độ tổ chức hay DN, các nhà nghiên cứu đã xem xét chất lượng mối quan hệ trên 3 khía cạnh: Vốn xã hội bên trong, vốn xã hội bên ngoài và vốn xã hội lãnh đạo của tổ chức/doanh nghiệp.

Trong đó, vốn xã hội bên trong là chất lượng các mối quan hệ giữa nhân viên và giữa các bộ phận chức năng trong tổ chức, doanh nghiệp. Vốn xã hội bên ngoài được các nghiên cứu đề cập như là chất lượng các mối quan hệ giữa tổ chức, doanh nghiệp với các chủ thể trong mạng lưới chiều ngang (khách hàng, nhà phân phối, nhà cung cấp, các doanh nghiệp trong cùng tập đoàn, đơn vị tư vấn, nghiên cứu, các đối thủ cạnh tranh trong cùng ngành) và mạng lưới chiều dọc (chính quyền các cấp và các công ty mẹ-con trong cùng tập đoàn).

Cuối cùng, theo McCallum và O’Connell (2009) vốn xã hội của lãnh đạo là chất lượng của các mạng lưới quan hệ của lãnh đạo được biểu hiện qua 4 đặc điểm sau (i) Người lãnh đạo có trách nhiệm với các bên liên quan, (ii) họ nỗ lực tiếp cận với đối tác thông qua các mạng lưới, các hoạt động cộng đồng, (iii) họ tích cực chia sẻ vốn tri thức & kiến thức và (iv) họ quản lý nghịch lý thông qua việc sử dụng các nhóm lớn, nghịch lý được hiểu là nơi vừa hợp tác, vừa cạnh tranh với các tổ chức khác.

Đương nhiên, thiết lập các mạng lưới quan hệ bên trong, bên ngoài của tổ chức, doanh nghiệp là rất cần thiết. Mạng lưới quan hệ bao gồm các mối tương tác xã hội và trao đổi xã hội, trong đó hệ các giá trị, chuẩn mực và niềm tin được hình thành, biểu lộ.

Nhờ vậy, các thành viên trong mạng lưới chia sẻ trách nhiệm, nghĩa vụ và có những lợi ích ràng buộc lẫn nhau khi theo đuổi những mục đích của họ. Mạng lưới quan hệ không chỉ có chức năng gắn kết xã hội mà còn có chức năng cung cấp thông tin chính xác, góp phần làm giảm các chi phí giao dịch cho các bên tham gia mạng lưới.

  1. Thực trạng đào tạo ngành TMĐT tại các trường Đại học

Thông qua báo cáo khảo sát của VECOM năm 2022 về tình hình đào tạo TMĐT tại 132 trường trong tổng số khoảng 232 trường ĐH trong cả nước. Kết quả khảo sát cho thấy có những bước tiến rất lớn trong đào tạo ngành TMĐT, bên cạnh đó cũng còn rất nhiều các thách thức, khó khăn cần cải thiện trong thời gian tới. Điều này thể hiện qua các con số biết nói sau:

Thứ nhất, số lượng các trường Đại học tham gia đào tạo ngành TMĐT còn rất ít 36/132 (27,3%), tỉ lệ này giảm xuống còn 15,5% (36/232) nếu tính chung cho cả nước. Nguyên nhân số lượng các trường tham gia đào tạo ngành TMĐT thấp là do gặp khó khăn trong thiết kế và triển khai chương trình đào tạo (CTĐT). Vì đây là một ngành học rộng, tính chất liên/xuyên ngành trong cấu trúc và nội dung CTĐT vừa rộng, vừa sâu liên quan đến 4 lĩnh vực chính là CNTT, Kinh tế số, Marketing số và Logistics.

Thứ hai, đội ngũ giảng viên TMĐT đông đảo và chất lượng cao hơn nhiều so với một thập kỷ trước. Tuy nhiên, đội ngũ này chưa thực sự đáp ứng nhu cầu đào tạo cả về số lượng lẫn chất lượng. Hiện nay, để triển khai hoạt động dạy và học; các trường phải huy động giảng viên từ nhiều Khoa và Bộ môn khác nhau trong trường. Do đó, việc thiết kế CTĐT còn nhiều môn học rời rạc, chưa tích hợp thành nhiều Module, lý do là người giỏi CNTT thì không giỏi kinh doanh, Marketing và ngược lại.

Thứ ba, học liệu phục vụ đào tạo TMĐT chưa đáp ứng yêu cầu dạy và học, 67% các trường ĐH sử dụng giáo trình nước ngoài. Các giáo trình và tài liệu tham khảo chưa đa dạng, kể cả eBook. Hơn nữa, cơ sở vật chất và phần mềm phục vụ giảng dạy và học tập của phần lớn các trường có chất lượng chưa cao. Hơn nữa, do môi trường kinh doanh TMĐT thay đổi rất nhanh, các công nghệ mau chóng lạc hậu nhưng giảng viên chưa được tập huấn và nâng cao năng lực chuyên môn liên tục, định kỳ.

Thứ tư, các hoạt động tư vấn hướng nghiệp, truyền thông về ngành học chưa được quan tâm đúng mức, đặc biệt là trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội của các cơ sở đào tạo, hiệp hội ngành nghề và cơ quan quản lý nhà nước. Do đó, các em học sinh vẫn chưa thấy hết nhu cầu tiềm năng của thị trường lao động về ngành học này.

Thứ năm, các hoạt động hỗ trợ đào tạo cũng như gắn kết với DN trong đào tạo TMĐT như các cuộc thi tài năng TMĐT, Khởi nghiệp trong TMĐT, Giảng viên doanh nhân TMĐT… chưa thật sự trở thành các phong trào chung cho cả nước.

Cuối cùng, việc liên kết mạng lưới đào tạo TMĐT còn mờ nhạt giữa các trường ĐH, giữa các trường với các cơ quan quản lý nhà nước, Viện nghiên cứu, các tổ chức xã hội nghề nghiệp hay giữa nhà trường với DN. Điều này cho thấy nguồn lực vốn xã hội (VXH) trong đào tạo ngành TMĐT chưa được khai thác đúng mức, chưa tận dụng các nguồn lực VXH sẵn có trên thị trường.

  1. Vốn xã hội và vai trò liên kết giữa các cơ sở giáo dục & các bên liên quan trong đào tạo ngành TMĐT

Hiểu được lý thuyết vốn xã hội nhằm vận dụng nó trong việc phát triển chất lượng mạng lưới quan hệ theo 3 khía cạnh là VXH bên trong, VXH bên ngoài và VXH lãnh đạo. Từ đó, việc thiết lập mạng lưới quan hệ bên trong và bên ngoài của các trường ĐH đào tạo ngành TMĐT là rất cần thiết, đóng góp vào thành quả chung là gia tăng chất lượng sinh viên tốt nghiệp.

Như đã trình bày ở trên, hạn chế chung của các cơ sở đào tạo ngành TMĐT là năng lực đội ngũ giảng viên còn yếu và thiếu, CSVC phục vụ cho đào tạo còn hạn chế, số lượng các trường ĐH tham gia đào tạo chưa nhiều, …. Nhu cầu rất tự nhiên là tăng cường liên kết, chia sẻ cơ hội và thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, chủ động phân định vai trò, mức đóng góp của từng đơn vị dựa trên khả năng về nguồn nhân lực, CSVC, tài nguyên, công nghệ… để có thể định rõ vị trí, tầm quan trọng của từng cơ sở đào tạo trong chuỗi liên kết. Qua chuỗi liên kết, mỗi cơ sở sẽ từng bước tái cơ cấu để phát triển, thực hiện tốt quá trình phân công nhiệm vụ trong mạng lưới liên kết.

Trong thời gian tới, Hiệp hội TMĐT nên khai thác các nguồn lực sẵn có của các trường ĐH, các DN kinh doanh TMĐT để hình thành các Tiểu ban hoặc Trung tâm bồi dưỡng xuất sắc nhân lực giảng dạy TMĐT.

Chức năng của Trung tâm là (1) Bồi dưỡng Giảng viên giảng dạy TMĐT có năng lực liên/xuyên ngành CNTT, Kinh tế số, Marketing số và Logistics;

(2) Bồi dưỡng Giảng viên các trường ĐH, đặc biệt là các trường đang quan tâm đến mở ngành TMĐT về phương pháp thiết kế chương trình đào tạo TMĐT đạt chuẩn kiểm định trong và ngoài nước để hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2025 có 50% cơ sở GDĐH và GDNN triển khai đào tạo TMĐT;

(3) Tổ chức đào tạo nghiệp vụ sư phạm, phương pháp giảng dạy cho các Giảng viên doanh nhân TMĐT từ các DN kinh doanh TMĐT. Đây chính là một trong những lực lượng nòng cốt phối hợp cùng với đội ngũ giảng viên cơ hữu nhằm hiện thực hóa triết lý đào tạo “Learning by doing”;

(4) Tổ chức các hoạt động hỗ trợ đào tạo như các cuộc thi về TMĐT, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp trong lĩnh vực TMĐT, hội thảo, tọa đàm, seminar giữa các giảng viên, sinh viên trong mạng lưới.

Lợi ích mang lại từ các mạng lưới quan hệ liên kết giữa các trường ĐH đào tạo ngành TMĐT với nhau được nhận thấy rõ ràng. Các trường ĐH không chỉ thiết lập các mối liên kết với các đối tác mà còn đánh đổi thời gian và chi phí để quan tâm đến các lợi ích mang lại từ mạng lưới bên trong Hiệp hội.

Với nhận thức như vậy thì các trường ĐH mới có thể khai thác hết các lợi ích từ các mối quan hệ để phục vụ cho hoạt động đào tạo. Qua các mối quan hệ liên kết chặt chẽ này, các trường ĐH nâng cao năng lực đào tạo, cạnh tranh, tuyển sinh với các trường nước ngoài trong bối cảnh hội nhập.

  1. Kết luận

Đa số các trường ĐH đào tạo ngành TMĐT tại Việt Nam còn rất mới, nhiều trường còn chưa có sinh viên tốt nghiệp. Các nguồn lực phục vụ cho đào tạo TMĐT còn nhiều hạn chế, đặc biệt là nguồn nhân lực.

Các nghiên cứu cho thấy VXH tác động có ý nghĩa đến kết quả hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp như tiếp thu kiến thức, đổi mới, hiệu quả kinh tế, hợp tác kinh doanh. Trong đó, các nhà lãnh đạo là người thể hiện VXH nhiều nhất để góp phần nâng cao kết quả hoạt động của tổ chức. Việc tăng cường liên kết giữa các trường ĐH đào tạo TMĐT và các bên liên quan  là một yêu cầu cấp thiết nhằm giúp các tổ chức có thể đứng vững và phát triển trước những cơ hội và thách thức trong bối cảnh toàn cầu hóa ./.

Tài liệu tham khảo

Tiếng Việt

  1. Hiệp hội TMĐT Việt Nam (2022). Đào tạo ngành TMĐT tại Việt Nam: những con số ấn tượng. Thông tin & Truyền thông, Cơ quan ngôn luận của Bộ Thông Tin & Truyền Thông.
  2. Bùi Văn Thời (2015). Hội nhập và nguồn vốn lạ, Báo điện tử chính phủ.
  3. Bùi Văn Thời (2022). Hiệu quả sử dụng vốn xã hội của doanh nghiệp. Tạp Chí Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương, số 614, tr 70-72.

Tiếng Anh

  1. Bourdieu, P. (1986). The forms of capital, in J.G. Richardson (Ed.) Handbook for Theory and Research for the Sociology of Education, Greenwood Press, New York, NY, pp. 241–258.
  2. Dai, W., Mao, Z., Zhao, X., & Mattila, A. (2015). How does social capital influence the hospitality firm’s financialperformance? The moderating role of entrepreneurial activities. International Journal of Hospitality Management, 51: 42–55.
  3. Lins, K., Servaes, H., & Tamayo, A. (2017). Social Capital, Trust, and Firm Performance: The Value of Corporate Social Responsibility during the Financial Crisis. The Journal of Finance, 4, 1785-1823.
  4. McCallum, S., & O’Connell, D. (2009). Social capital and leadership development. Leadership & Organization Development Journal, 30, 152–166.
  5. Mikovic, R., Petrovic, D., Mihic, M., Obradovic, V., & Todorovic, M. (2019). Examining the relationship between social capital and knowledge usage in the nonprofit industry. Journal knowledge management research & practice, [online] Available at <https://doi.org/10.1080/14778238.2019.1638740> [Accessed 10 June 2022].
  6. Prasetyo, P. E., Setyadharma, A., & Kistanti, N. R., 2020. The Role Of Social Capital In New Products Development And Business Competitiveness Enhancement. International Journal Of Scientific & Technology Research, 9, 1838-1843.
  7. Purwatia, A. A., Suhermin, B., & Hamzah, M. L., 2021. The effect of innovation capability on business performance: The role of social capital and entrepreneurial leadership on SMEs in Indonesia. Journal of Accounting, 7, 323–330.